Quân đội nhiều nước chật vật chiêu mộ tân binh

Trí Đỗ
Trí Đỗ
14/03/2024 18:14 GMT+7

Quân đội của một số nước ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương khó tuyển quân do tình trạng già hóa dân số cũng như chế độ lương hưu, ABC đưa tin ngày 14.3.

Tình trạng dân số già hóa được cho là một trong những nguyên nhân chính làm thu hẹp số lượng công dân đủ điều kiện tham gia quân đội.

Theo ông Andrew Oros, giáo sư khoa học chính trị và nghiên cứu quốc tế tại Đại học Washington (Mỹ), tác động của những thay đổi nhân khẩu học đối với quốc phòng đang bị đánh giá thấp ở nhiều quốc gia tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Điều này là một trường hợp chưa từng xảy ra và chưa có kết quả rõ ràng.

Quân đội nhiều nước chật vật chiêu mộ tân binh- Ảnh 1.

Hàn Quốc đối mặt với tình trạng tỷ lệ sinh thấp và điều này ảnh hưởng đến khả năng tuyển quân của nước này

REUTERS

Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đều nằm trong những xã hội có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới. Tuy nhiên, giáo sư Oros cho biết ảnh hưởng của những diễn biến này đối với chiến lược an ninh và nỗ lực thay đổi, sẽ phụ thuộc khá nhiều vào từng quốc gia.

Giáo sư Oros cũng chỉ ra rằng thời điểm diễn ra những thay đổi về nhân khẩu học của mỗi quốc gia là rất quan trọng.

Theo ông, Nhật Bản là quốc gia đầu tiên trên thế giới đối mặt với xu hướng già hóa, do đó họ có nhiều thời gian để điều chỉnh hơn. Trong khi đó, tốc độ già hóa dân số của Hàn Quốc tăng nhanh gấp đôi, dự kiến vượt qua Nhật Bản để bước vào xã hội siêu già và giảm dân số vào năm 2050. Còn Trung Quốc dù tốc độ già hóa chậm hơn, nhưng nước này phải đối diện biểu đồ nhân khẩu học xuống dốc hơn vào những năm 2030 do hệ quả từ “chính sách một con” trong cuối thập niên 1970.

Ukraine có thể siết luật ra sao để chống trốn lính

Đa dạng chiến thuật thích ứng

Để giải quyết tình trạng trên, quân đội nhiều nước đang áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến như máy bay không người lái, hệ thống tự động và trí tuệ nhân tạo (AI) để giảm số lượng nhân lực cần thiết. Công nghệ phát triển có thể bù đắp được nhiều thách thức do dân số thu hẹp và già đi nhanh chóng.

Thêm vào đó, quân đội ở mỗi quốc gia cũng đang tìm cách thích nghi với việc áp dụng đa dạng phương pháp để duy trì một lực lượng quân sự hùng mạnh.

Chẳng hạn, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) đã sử dụng nhiều chiến thuật khác nhau để khuyến khích công dân tự nguyện nhập ngũ. Theo đó, SDF đã triển khai các chiến dịch quảng bá trên truyền thông đại chúng, đưa ra nhiều quyền lợi cho quân nhân, áp dụng các biện pháp mở rộng nhóm ứng viên (như tăng tuổi nhập ngũ tối đa từ 26 lên 32). Vào tháng trước, Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo nới lỏng các quy định về độ dài tóc, cũng như cho phép những người có hình xăm nhập ngũ.

Trong trường hợp của Hàn Quốc, nước này triển khai nhiều biện pháp cải thiện mức lương và quyền lợi để tăng sức hút của quân đội.

Tình hình khả thi hơn đối với Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Trung Quốc có luật bắt buộc thực hiện nghĩa vụ quân sự đối với công dân, nhưng thực tế nước này chủ yếu dựa vào tuyển dụng tình nguyện viên. Theo đó, trong bối cảnh tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao, PLA được cho là có số lượng lớn người nộp đơn vào các học viện quân sự của mình.

Theo chuyên gia Graeme Smith tại khoa Thái Bình Dương của Đại học Quốc gia Úc (ANU), PLA đang được hưởng lợi từ việc thay đổi nhận thức về quân đội.

Ngoài ra, theo giáo sư Oros, nhiều quốc gia đang tìm cách tuyển dụng nhiều phụ nữ hơn, đồng thời kéo dài thời điểm nghỉ hưu của họ. Bằng những cách như vậy, các nước sẽ vừa giữ chân quân nhân sau thời gian nghĩa vụ quân sự bắt buộc, vừa giữ chân các sĩ quan lớn tuổi. Ở chiều ngược lại, phương án này sẽ gây thêm khó khăn cho ngân sách chi trả về phúc lợi lương bổng hay nhà ở.

Ông Oros nói thêm: “Bạn có thể ngạc nhiên khi biết rằng cho đến nay Nhật Bản đang làm tốt nhất trong việc tuyển dụng nhiều phụ nữ hơn vào quân đội của họ”. “Có thông tin cho rằng hơn 20% tân binh gần đây là phụ nữ, cao hơn gấp đôi tổng tỷ lệ của họ trong Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản”, ông chia sẻ thêm. Tuy nhiên, ông Oros cũng nghi ngờ việc tăng số lượng phụ nữ trẻ tham gia có thể giữ chân họ ở lại quân đội hay không. Hiện có một số vụ bê bối nổi bật liên quan việc ngược đãi phụ nữ trong SDF.

Quân đội nhiều nước chật vật chiêu mộ tân binh- Ảnh 2.

Nhật Bản đang cố gắng thu hút nhiều phụ nữ tình nguyện tham gia Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản

REUTERS

Thách thức dài hạn

Tuy vậy, các quốc gia Đông Bắc Á sẽ đối mặt với nhiều thách thức dài hạn hơn trong việc tuyển quân. Trong đó, Hàn Quốc được cho là bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng già hóa dân số vì quân đội đã yêu cầu hầu hết thanh niên trong nước nhập ngũ.

Giáo sư Oros chia sẻ: “Nói một cách dễ hiểu, số lượng thanh niên nhập ngũ chỉ bằng 1 nửa so với 20 năm trước và sẽ lại giảm 1 nửa trong 20 năm tới”. Điều này sẽ dẫn đến sự suy giảm lực lượng quân sự rất lớn nếu không có cách khắc phục, ông nói thêm.

Nhật Bản đã đối mặt với thách thức trong việc tuyển dụng quân nhân từ lâu. Tuy nhiên, ông Oros cho rằng Nhật Bản lại ít gặp thách thức hơn Hàn Quốc vì sớm áp dụng công nghệ và tăng năng suất lao động.

Giám đốc điều hành của tổ chức nghiên cứu an ninh Verve Research, bà Natalie Sambhi cho rằng bản chất đang thay đổi của chiến tranh đòi hỏi quân đội phải thích nghi. Đặc biệt, tầm quan trọng ngày càng tăng của an ninh mạng là lĩnh vực mà tất cả quân đội phải đối mặt.

Quân đội nhiều nước chật vật chiêu mộ tân binh- Ảnh 3.

Quân đội nhiều nước đang áp dụng máy bay không người lái để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực

REUTERS

Do đó, dù ít gặp thách thức về chiêu mộ quân nhân, nhưng Trung Quốc lại gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân lực có tay nghề cao khi nước này đẩy mạnh tốc độ hiện đại hóa quân đội. Năm ngoái, Trung Quốc đã bổ sung các điều khoản đặc biệt về thời chiến vào luật nghĩa vụ quân sự để có thể tăng quân số nhanh hơn và ưu tiên những tân binh có kỹ năng hữu ích cho chiến tranh mạng.

Không phải nước nào cũng lo

Ở diễn biến khác, không phải mọi quốc gia châu Á có xã hội già hóa đều lo ngại về tình trạng tuyển quân sụt giảm.

Điển hình, Singapore áp dụng chế độ quân dịch bắt buộc để tăng số lượng trong Lực lượng Vũ trang Singapore (SAF). Nhưng quốc gia này thừa nhận rằng việc giảm tổng số quân nhân là cần thiết trong bối cảnh dân số trong độ tuổi lao động của nước này giảm. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen đã nhiều lần khẳng định đây không phải là vấn đề do đã có những cải tiến về công nghệ và thiết bị để giảm nhu cầu nhân lực.

Bà Natalie Sambhi cho biết việc gia nhập quân đội cũng được nhiều người coi là một lựa chọn nghề nghiệp hấp dẫn ở các quốc gia đang phát triển.

Ví dụ, với dân số tương đối trẻ khoảng 280 triệu người, Indonesia gặp rất ít khó khăn trong việc tìm kiếm tân binh cho lực lượng vũ trang, giáo sư Quan hệ quốc tế và Chính trị so sánh (Đại học Sydney, Úc) Justin Hastings cho hay.

Trong khi đó, Thái Lan thậm chí còn có nhiều động thái thu hẹp quy mô lực lượng vũ trang.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.