Tham vọng hóa dược của Ấn Độ gặp khó

Ngọc Mai
Ngọc Mai
25/03/2018 09:30 GMT+7

Để hạn chế phụ thuộc nguồn cung từ Trung Quốc, Ấn Độ lên kế hoạch tạo dựng một “thủ phủ hóa dược” nhưng vấp phải sự phản đối của người dân.

Hyderabad, thủ phủ bang Telangana, là một trong những trung tâm sản xuất thuốc lớn nhất của Ấn Độ. Theo thống kê của Bộ Tài chính, Hyderabad đóng góp 20% lượng dược phẩm xuất khẩu của quốc gia Nam Á này, thu về 15 tỉ USD mỗi năm. Thành phố này đóng vai trò quan trọng giúp Ấn Độ trở thành quốc gia hàng đầu thế giới trong ngành công nghiệp thuốc generic (thuốc tương đương sinh học với biệt dược gốc, được sản xuất khi quyền sở hữu công nghiệp của biệt dược gốc đã hết hạn, phần lớn là thuốc trị ung thư).
Tránh phụ thuộc Trung Quốc
Theo tờ South China Morning Post, để sản xuất thuốc generic cần dược chất dạng nguyên liệu (bulk drug). Bang Telangana có khoảng 400 công ty dược, trong đó có 170 đơn vị sản xuất dược chất dạng nguyên liệu, nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu. Số liệu thống kê cho thấy Ấn Độ hiện phải nhập khẩu tới 75% bulk drug từ Trung Quốc.
Chính quyền bang Telangana cho rằng tình trạng phụ thuộc này gây ra nguy cơ đáng kể về thiếu hụt nguồn cung, trong bối cảnh quan hệ song phương Ấn - Trung vẫn còn nhiều khúc mắc về chủ quyền và cạnh tranh chiến lược. Bên cạnh đó, mọi thay đổi từ phía Trung Quốc đều có thể đẩy giá nguyên liệu lên cao. Đơn cử là vào thời điểm diễn ra Olympic Bắc Kinh năm 2008, chính quyền Trung Quốc xử lý các nhà máy sản xuất penicillin không tuân thủ tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường. Phản ứng dây chuyền ngay sau đó là đợt tăng giá đột ngột đối với dược chất dạng nguyên liệu xuất sang Ấn Độ.
Trước tình trạng này, giới chức Telangana lên kế hoạch hình thành một “thủ phủ hóa dược” rộng khoảng 8.000 ha tại quận Ranga Reddy, cách trung tâm thành phố Hyderabad chừng 60 km. Ngoài các nhà xưởng, kho chứa và hạ tầng xã hội, dự án này còn bao gồm một trường đại học và một cơ sở nghiên cứu để phát triển ngành dược, theo South China Morning Post. Chính quyền Hyderabad cam kết “thủ phủ hóa dược” không chỉ giúp Ấn Độ chấm dứt phụ thuộc vào Trung Quốc mà còn cải thiện cuộc sống người dân địa phương.
Trả lời báo giới, Giám đốc Sở Công nghiệp Telangana, ông K.T.Rama Rao khẳng định: “Thủ phủ hóa dược sẽ thu hút đủ nguồn đầu tư để tạo công ăn việc làm cho khoảng 170.000 người. Thêm vào đó, chúng tôi sẽ cố gắng giảm ô nhiễm bằng máy lọc nước thải thành nước sạch ZLD. Chúng ta không có gì phải lo cả”.
Thách thức
Hứa hẹn là vậy nhưng cư dân tại các làng quê ở Telangana không mấy mặn mà với dự án “khủng” này. Saraswati, chủ một lô đất ở làng Medipally - vốn là nơi chuyên cung cấp rau củ cho toàn Hyderabad, cho biết sẽ sớm phải chuyển đất cho chính quyền “làm hóa dược”. Không chỉ làng của bà Saraswati, 10 làng lân cận cũng có chung hoàn cảnh. Những người dân sống trong vùng rất lo lắng vì sắp phải di dời, trong khi nhiều người ở vùng ven quan ngại các vấn đề về sức khỏe và môi trường khi dự án được triển khai.
Theo tờ South China Morning Post, 2 thách thức lớn nhất đối với dự án “thủ phủ hóa dược” là xử lý chất thải và thiếu nước. Hồ sơ môi trường của Hyderabad bị giới chuyên gia đánh giá là rất tệ. Kết quả nghiên cứu của tổ chức phi lợi nhuận Changing Markets (trụ sở tại Hà Lan) cho thấy hàm lượng kim loại nặng và dung môi công nghiệp mức độ cao được phát hiện tại nhiều vùng nước khác nhau trên khắp thành phố. Báo cáo chỉ ra rằng các nhà máy dược ở Hyderabad chưa kiểm soát tốt việc xả thải ra môi trường, trong đó có cả kháng thuốc (AMR), vốn là mối đe dọa đối với sức khỏe con người. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp dược phẩm cần lượng nước rất lớn nên Hyderabad có thể lâm vào tình trạng thiếu nước nghiêm trọng.
Bên cạnh những nỗi lo trên, người dân tại Hyderabad còn phản đối dự án vì vấn đề giá đất. Theo họ, thông thường khi có dự án quy mô lớn được công bố thì đáng lẽ giá đất phải tăng nhưng tại các làng trong diện di dời để xây “thủ phủ hóa dược” thì lại giảm, thậm chí chỉ bằng nửa giá thị trường. Một số ý kiến lý giải có thể không ai muốn sống tại khu vực độc hại nên mới mua giá thấp. Tuy vậy, nhiều người cho rằng đó là cách chính quyền “phù phép” để mua đất với giá rẻ hơn từ dân. Ông Pushpamma, một nông dân địa phương, bức xúc nói với South China Morning Post: “Chẳng khác nào lấy của người nghèo đưa cho người giàu. Chúng tôi không muốn đưa đất của mình để họ xây này xây nọ. Thuốc rẻ được sản xuất nhờ vào nguồn đất, nước, không khí của chúng tôi, nhưng chúng tôi chẳng nhận lại được gì”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.