Tín hiệu lạc quan của nền kinh tế Trung Quốc

Tín hiệu lạc quan của nền kinh tế Trung Quốc

Phương Thúy
Phương Thúy
09/11/2023 07:39 GMT+7

Câu chuyện phục hồi kinh tế sau đại dịch của Trung Quốc cho tới lúc này chưa ổn định, nhưng cường quốc kinh tế này đang ghi nhận nhiều tín hiệu lạc quan từ nhiều lĩnh vực.

Quỹ tiền tệ quốc tế, gọi tắt là IMF, cho rằng nền kinh tế Trung Quốc đã phục hồi mạnh mẽ trong giai đoạn hậu Covid-19. IMF đã nâng dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2023 của Trung Quốc lên 5,4%, từ mức 5% trước đó, đồng thời dự đoán tốc độ tăng trưởng sẽ chậm hơn trong năm 2024, do lĩnh vực bất động sản tiếp tục gặp khó khăn và nhu cầu giảm sút.

IMF quyết định nâng dự báo tăng trưởng kinh tế sau khi Trung Quốc phê duyệt kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ trị giá 1.000 tỉ nhân dân tệ, tức 137 tỉ USD, và cho phép các chính quyền địa phương ứng trước một phần hạn ngạch trái phiếu năm 2024 để hỗ trợ nền kinh tế.

Trong trung hạn, IMF dự báo tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm dần xuống còn khoảng 3,5% vào năm 2028, trong bối cảnh năng suất yếu và dân số già hóa. Sự kết hợp giữa lĩnh vực bất động sản suy giảm và khủng hoảng nợ của chính quyền địa phương có thể xóa đi phần lớn tiềm năng tăng trưởng dài hạn của Trung Quốc.

Nợ của chính quyền địa phương tại Trung Quốc đã lên tới 92.000 tỉ nhân dân tệ, khoảng 12.600 tỉ USD, tương đương 76% sản lượng kinh tế trong năm 2022. Con số này đã tăng từ mức chỉ 62,2% hồi năm 2019.

Hãng tin Reuters dẫn lời Phó Tổng Giám đốc điều hành thứ nhất của IMF Gita Gopinath nhận định Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp để hỗ trợ thị trường bất động sản, nhưng nước này cần làm nhiều hơn để đảm bảo phục hồi nhanh chóng và làm giảm chi phí kinh tế trong quá trình chuyển đổi.

Bà Gopinath nói thêm Chính phủ Trung Quốc nên cải cách các khuôn khổ tài chính phối hợp và tái cơ cấu bảng cân đối kế toán để giải quyết căng thẳng nợ chính quyền địa phương, trong đó bao gồm việc thu hẹp những thiếu hụt về tài chính và kiểm soát dòng nợ.

Ngoài ra, lãnh đạo IMF cũng cho rằng Trung Quốc nên phát triển chiến lược tái cơ cấu toàn diện để hạn chế quy mô nợ của những công cụ tài chính do các chính quyền địa phương phát hành.

Câu chuyện phục hồi kinh tế sau đại dịch của Trung Quốc cho tới lúc này chưa ổn định, nhưng cường quốc kinh tế này đang ghi nhận tăng trưởng vượt bậc trong một lĩnh vực cụ thể. Đó chính là xe điện.

Theo ông Bill Winters, tổng giám đốc ngân hàng Standard Chartered, xe điện và mọi thứ liên quan đến công nghệ năng lượng tái tạo đang rất phát triển ở Trung Quốc. Theo nghiên cứu từ Canalys, Trung Quốc là thị trường xe điện lớn nhất thế giới với 5,9 triệu xe bán ra vào năm 2022, chiếm 59% lượng xe điện bán ra trên toàn cầu. Ngoài ra, dữ liệu của Counterpoint Research cho thấy các thương hiệu Trung Quốc chiếm 81% thị phần xe điện, như BYD, Wuling, Chery, Changan…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.