Tòa án thu thập chứng cứ còn khó, huống chi giao cho người dân

23/11/2023 07:31 GMT+7

Chiều 22.11, thảo luận tại hội trường về dự án luật Tổ chức TAND sửa đổi, nhiều đại biểu Quốc hội không đồng tình về việc bãi bỏ nghĩa vụ thu thập chứng cứ của tòa án, cũng như đổi tên TAND tỉnh và TAND huyện.

LO NGẠI NGƯỜI YẾU THẾ THIỆT THÒI

Dự thảo luật Tổ chức TAND sửa đổi đề xuất bãi bỏ nghĩa vụ thu thập chứng cứ của tòa án, bao gồm cả án hành chính và án dân sự. Việc thu thập chứng cứ sẽ giao hoàn toàn cho đương sự. Tòa án chỉ giữ vai trò trọng tài, xét xử trên cơ sở các chứng cứ do đương sự cung cấp; sẽ hướng dẫn, hỗ trợ thu thập chứng cứ đối với đương sự là người yếu thế.

 Tòa án thu thập chứng cứ còn khó, huống chi giao cho người dân - Ảnh 1.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình giải trình về các nội dung trong dự thảo luật

Gia Hân

Đại biểu (ĐB) Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) cho rằng hiện nhiều trường hợp tòa án yêu cầu các cơ quan cung cấp tài liệu, chứng cứ còn rất khó khăn, nếu giao hết cho đương sự thì khó lại càng thêm khó. Chưa kể, nếu đương sự cung cấp không đầy đủ tài liệu, chứng cứ còn có thể dẫn đến kết quả xét xử bị sai lệch. Chung nỗi băn khoăn, ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) nhận định VN còn có khoảng cách về giàu nghèo, dân trí, văn hóa…, nhiều người không có điều kiện tranh tụng một cách đầy đủ. Nếu giao toàn bộ việc thu thập chứng cứ cho đương sự, để các bên "tự chiến đấu với nhau", người yếu thế sẽ rất thiệt thòi.

ĐB Nguyễn Thanh Sang (TP.HCM) dẫn chứng về việc chỉ có 8,15% các vụ việc có người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền lợi. Theo ông, người dân nào cũng muốn có luật sư bào chữa, nhưng không phải ai cũng đủ điều kiện kinh tế. Quy định đương sự tự thu thập chứng cứ, nhất là chứng cứ từ cơ quan quản lý nhà nước, sẽ là một thách thức không nhỏ, bởi "tòa là cơ quan quyền lực mà thu thập chứng cứ còn khó khăn, huống hồ bây giờ giao cho người dân".

Giải trình trước QH, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu các nước trên thế giới không quy định giao nhiệm vụ thu thập chứng cứ cho tòa án. Việc giao nghĩa vụ này cho đương sự nhằm đề cao trách nhiệm tự vệ của bên bị kiện và trách nhiệm chứng minh quyền thắng kiện của bên đi kiện. Theo ông Bình, nếu tòa án tự thu thập chứng cứ có thể sẽ có lợi cho một bên, trong khi đó, nhân dân chờ đợi một phán quyết công tâm, khách quan, công bằng từ tòa án chứ không phải chờ đợi việc thu thập chứng cứ, thu thập xong thì xét xử trên các chứng cứ do mình thu thập mà xem nhẹ các chứng cứ của các bên khác. Cùng với việc bãi bỏ nghĩa vụ thu thập chứng cứ, tòa án sẽ hỗ trợ đương sự bằng việc gửi văn bản, đề nghị các cơ quan cung cấp chứng cứ, tài liệu. Cơ quan nào không chấp hành, tòa án sẽ xử phạt.

ĐỔI TÊN TÒA ÁN CHỈ LÀ "BÌNH MỚI RƯỢU CŨ"

Về nội dung đổi tên TAND tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND huyện thành TAND sơ thẩm nhằm tăng tính độc lập của tòa án, giảm sự phụ thuộc vào chính quyền địa phương các cấp, ĐB Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) cho rằng dự thảo mới chỉ đổi về tên gọi của các tòa án, trong khi cơ cấu, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn không khác gì nhiều so với luật hiện hành; các tòa án này vẫn được tổ chức và có thẩm quyền theo địa hạt tương ứng với các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện. "Một chi tiết nghe cũng rất vô lý, đó là TAND cấp phúc thẩm nhưng vẫn xét xử sơ thẩm theo thẩm quyền. Tôi cho rằng sự thay đổi này chỉ là "bình mới rượu cũ", bà Nhi nói, đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm, nếu cần đổi mới thì phải làm toàn diện và thực chất, nếu chưa đủ điều kiện và tính khả thi thì nên giữ nguyên.

Ở góc nhìn khác, ĐB Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) bày tỏ mong muốn nghiên cứu xây dựng mô hình tòa án khu vực, ví dụ 2 - 3 huyện gộp lại thành một. Ông Tạo cho hay hiện một số thẩm phán chỉ xử 1 - 2 vụ/tháng, nhưng một số thẩm phán phải xử đến hơn 30 vụ/tháng, như vậy việc đầu tư rất dàn trải. Với mô hình tòa án khu vực, ĐB cho rằng sẽ vừa tập trung được nguồn lực, vừa tập trung được nhân lực và cải thiện được vị trí xét xử từ cấp sơ thẩm đến phúc thẩm.

Hồi đáp các ĐB, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng việc đổi mới tên gọi các tòa án và tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử là thể chế hóa Nghị quyết 27 của T.Ư. Chánh án tối cao còn dẫn chứng nhiều nước trên thế giới rằng không chỉ tòa án phúc thẩm mà tòa án tối cao cũng xử cả án sơ thẩm; xét xử tổng thống, thủ tướng hay bộ trưởng chẳng hạn. "Người ta gọi là tòa án phúc thẩm hay sơ thẩm, đấy là nhiệm vụ chính yếu, chủ yếu là xử sơ thẩm thì gọi là sơ thẩm mà chủ yếu xử phúc thẩm thì gọi là phúc thẩm", ông Bình nói.

Chưa thông qua luật Đất đai sửa đổi

Sáng 22.11, đa số ĐBQH bỏ phiếu thông qua việc điều chỉnh chương trình kỳ họp thứ 6, QH khóa XV. Trước đó, theo tờ trình của Tổng thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Bùi Văn Cường, QH sẽ chưa thông qua luật Đất đai sửa đổi tại kỳ họp này. Lý do, đây là dự án luật có tính chất đặc biệt quan trọng, tác động rất lớn đến các hoạt động KT-XH và đời sống của người dân. Dự thảo luật vẫn còn một số nội dung, chính sách lớn cần tiếp tục nghiên cứu để thiết kế phương án chính sách tối ưu. Vì vậy, sau khi thống nhất với Chính phủ, Ủy ban Thường vụ QH đã báo cáo QH cho phép điều chỉnh thời gian thông qua tại kỳ họp gần nhất.

Dự kiến, ngày 29.11, QH sẽ chỉ biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề "việc triển khai thực hiện các nghị quyết của QH về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030". 9 giờ cùng ngày, QH sẽ họp phiên bế mạc.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.