Từ bác sĩ đến danh kỳ xứ trầm

27/02/2024 11:00 GMT+7

Cờ người là một trong số những trò chơi dân gian diễn ra trong các dịp lễ hội của Việt Nam nói chung và Nha Trang - Khánh Hòa nói riêng. Để có được những trận cờ thú vị, không thể không kể đến vai trò của người bình cờ.

Cứ vào chiều mùng 3, 4, 5 tết hằng năm, tại Quảng trường 2 Tháng 4 (TP.Nha Trang), người dân và khách du xuân mãn nhãn với những trận đấu cờ người hấp dẫn. Cùng với không khí rộn rã của những tiếng trống hội, lời giới thiệu trôi chảy, cuốn hút của bác sĩ - bình luận viên Trần Cẩm Long vang lên: "... Mở đầu hội thi hôm nay là trận đấu giữa 2 kỳ thủ có lối đánh công, thủ toàn diện, xuất sắc của làng cờ Khánh Hòa... Bên tiên sử dụng lối đánh pháo đầu đối bình phong mã, lưỡng đầu xà, tiên nhân chỉ lộ…".

Nét riêng cờ người Nha Trang – Khánh Hòa

Trong 17 năm qua - kể từ Hội thi cờ người đầu xuân năm 2007, ông Long luôn đảm nhiệm trọng trách bình cờ và là một trong những nhân tố góp công không nhỏ để hội thi vẫn hấp dẫn đến nay. Với sự tài hoa của danh kỳ Trần Cẩm Long, những ván cờ như được thổi hồn, trở thành trận cờ sinh động, độc đáo. Trải qua hàng chục mùa thi cờ, cờ người vẫn hấp dẫn cũng bởi có những bình luận viên như ông Long.

Từ bác sĩ đến danh kỳ xứ trầm- Ảnh 1.

Bác sĩ Trần Cẩm Long trong một lần bình cờ dịp Tết Nguyên đán

P.H

Ông Long cho biết, năm 2007, Trung tâm Văn hóa tỉnh (nay là Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh) có nhu cầu lập ra hội thi cờ người để biểu diễn dịp tết. Ông và ông Đoàn Đức Phước (Võ đường Bích Quang môn - Nhà thiếu nhi tỉnh) được giao trọng trách tổ chức hội thi.

Từ bác sĩ đến danh kỳ xứ trầm- Ảnh 2.

Kỳ thủ Trần Cẩm Long vô địch giải cờ tướng tỉnh năm 2020

P.H

17 năm gắn bó với Hội thi cờ người đầu xuân, ông Long đã có 26 lần bình luận hội thi cờ người của tỉnh (không chỉ dịp tết, vào các năm có Festival biển Nha Trang, cờ người cũng được tổ chức lồng ghép để biểu diễn phục vụ du khách).

Theo ông Long, đối với môn cờ người, mỗi khu vực sẽ có một tiêu chí, yếu tố mang nét độc đáo riêng. Như ở Huế, người bình luận cờ sẽ theo truyện Kim Dung; Đà Nẵng, Bình Định, TP.HCM lại đi sâu vào kỳ lý (lý luận về cờ, chuyên môn)... Sau nhiều năm vun đắp, cờ người ở Nha Trang cũng có những nét riêng, đó là hội tụ đủ 4 yếu tố: kỳ thí (tức thi đấu), kỳ lý (lý luận về cờ, chuyên môn), kỳ đàm (giai thoại, lịch sử các nước đi, thế trận), kỳ hình (hình dạng bàn cờ, quân cờ). Khi kết hợp được 4 yếu tố này, dù người không am hiểu môn cờ người cũng có thể dễ dàng bị thu hút.

Cờ người sẽ sống mãi

Bác sĩ Trần Cẩm Long năm nay 60 tuổi, quê Đà Nẵng. Ông từng học ĐH Y khoa Huế (nay là ĐH Y - Dược, ĐH Huế). Sau tốt nghiệp, năm 1998 ông chuyển vào Nha Trang (quê vợ) để sinh sống và làm việc. Hiện ông là bác sĩ chẩn đoán hình ảnh tại phòng khám riêng ở TP.Nha Trang – kiêm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cờ người và bình luận viên hội thi cờ người do Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh đề cử .

Trò chuyện với chúng tôi, ông Long chia sẻ: "Cơ duyên đến với môn cờ người rất tự nhiên. Gia đình tôi có một sân vườn rộng, cha ông lại rất thích chơi cờ. Thế nên vào mỗi buổi chiều mọi người trong con phố thường tụ tập dưới góc sân vườn đó để cùng đánh cờ. Lúc đó, tôi mới chỉ 5 tuổi. Mặc dù không am hiểu những nước cờ nhưng tôi lại có thể ngồi chăm chú cả mấy tiếng đồng hồ...".

Để trở thanh danh kỳ như hiện nay, từ nhỏ khi theo cha học và tự mày mò nghiên cứu, ông Long có đọc qua cuốn sách Quất Trung Bí, chuyên về "nghịch pháo" - một cách chơi cờ rất mạo hiểm và táo bạo, sẵn sàng phế quân để đoạt thế. Những ván cờ nghịch pháo thì thường rất nguy hiểm vì hai bên dễ mắc sai lầm và dẫn đến thua bất ngờ. Cha của ông Long lại đặc biệt rất thích chơi nghịch pháo. Dần dà ông Long cũng ảnh hưởng ít nhiều về thế trận này.

Phát hiện được tài năng của con trai mình, cha ông Long đã không ít lần động viên: sau này khi con lớn cha sẽ dẫn con đi thi đấu. Thế nhưng, khi ông lên lớp 10, cha ông đã mất. Giấc mơ được cha nắm tay, cổ vũ khi thi đấu cũng dừng lại ở đó... Nhưng nó cũng là ngọn lửa thắp sáng cho đam mê chơi cờ của ông. Để tưởng nhớ người cha cũng là người thầy duy nhất của mình, trong các cuộc thi đấu cờ, ông Long luôn đánh một ván cờ nghịch pháo. Đó là cách ông tưởng nhớ về cha, xem như ông ấy đang ở bên cổ vũ mình.

Trong 20 năm kỳ nghệ, từ lần đầu tham gia thi đấu năm 2001 đến lần cuối cùng năm 2020, ông Long đã có 9 lần vô địch giải tỉnh, 1 lần cùng với đội cờ tướng Khánh Hòa giành huy chương đồng quốc gia và được phong kiện tướng năm 2020. Ông cũng chính là người đào tạo quốc tế đại sư Tôn Thất Nhật Tân - một trong những cao thủ của làng cờ tướng cờ Việt Nam.

Từ bác sĩ đến danh kỳ xứ trầm- Ảnh 3.

Bác sĩ - danh kỳ Trần Cẩm Long chia sẻ cùng phóng viên những thế cờ được ghi chép tỉ mỉ từ cuốn sổ tay

P.S

Nói về tương lai cờ người, ông Long cho biết, thời đại công nghệ khiến cờ người không còn là món ăn tinh thần duy nhất. Tuy nhiên, không vì thế mà cờ người lại kém hấp dẫn. Với người cao tuổi, đây không chỉ là thú chơi lý tưởng để rèn luyện trí tuệ, thư giãn mà còn để rèn luyện tính người. Với lớp trẻ, đây vẫn là nơi có thể học hỏi những nước cờ "hiểm" mà đôi khi các cao thủ ẩn danh vẫn thi triển. Ông hy vọng sẽ sớm tìm được truyền nhân để phát triển hơn cũng như quảng bá nét đẹp của bộ môn này.

Cờ người là tên gọi khác của môn cờ tướng, do người đóng thế thành các quân cờ. Bàn cờ được thiết kế vuông vức ở giữa khoảng sân rộng hoặc sân đình, chùa. Mỗi ván cờ gồm 32 quân chia thành 2 phe. Ngoài 32 người chơi trong sân, cờ người không thể thiếu người thứ 33 là tổng cờ, tức là trọng tài của bàn cờ. Đây là người trực tiếp giúp ban giám khảo theo dõi việc thắng, thua của cuộc đấu cờ.

Với những đóng góp cho hội thi cờ người, năm 2018, Câu lạc bộ Cờ người Khánh Hòa được Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong xây dựng và tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao tại địa phương.



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.