Ukraine không thấy triển vọng hòa ước, phương Tây lo xung đột kéo dài hơn 5 năm

Ukraine không thấy triển vọng hòa ước, phương Tây lo xung đột kéo dài hơn 5 năm

Linh Trương
Linh Trương
19/11/2023 19:15 GMT+7

Người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự Ukraine cho biết có thể phải mất nhiều thập kỷ để 2 nước bình thường hóa quan hệ với Nga.

Trong một bài viết hôm 13.10, ông Kyrylo Budanov, người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự Ukraine, cho rằng Nga và Ukraine có thể sẽ không bao giờ chính thức ký một hiệp ước hòa bình chấm dứt cuộc xung đột hiện tại,.

Trong bài bình luận cho tạp chí NV, ông Budanov nhắc lại việc Nga và Nhật Bản cũng chưa bao giờ ký hiệp ước hòa bình toàn diện sau Thế chiến thứ II do yêu sách của Tokyo đối với một số quần đảo Kuril của Nga.

Ông cho rằng một kịch bản như vậy "rất có thể xảy ra trong trường hợp của [Nga và Ukraine]. Lý do là vì Nga có tham vọng lãnh thổ đáng kể khi nói đến Ukraine chứ không chỉ liên quan đến Crimea".

Những bình luận này được đưa ra trong bối cảnh cuộc phản công mùa hè được đặt nhiều kỳ vọng của Ukraine hầu như đã trôi qua mà không đạt được bất kỳ tiến triển đáng kể nào trên các mặt trận.

Trả lời phỏng vấn tạp chí The Economist trong tháng này, Tổng tư lệnh quân đội Ukraine Valery Zaluzhny đã mô tả tình hình trên chiến trường đang dần rơi vào "bế tắc". Triển vọng về một hiệp ước hòa bình giữa Moscow và Kyiv vẫn ảm đạm. Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố Ukraine sẽ chỉ chấp nhận đàm phán sau khi Nga đã rút hết quân ra khỏi lãnh thổ. Nga không chấp nhận đòi hỏi này.

Trong khi đó, ngày càng có nhiều nhà lãnh đạo phương Tây thừa nhận rằng xung đột Nga-Ukraine có thể kéo dài thêm ít nhất 5 năm nữa, do thế bế tắc mà không bên nào có khả năng phá vỡ. Việc hỗ trợ cho Ukraine đã gây căng thẳng cho năng lực quân sự phương Tây, và cuộc xung đột Hamas-Israel lại càng làm tăng thêm áp lực.

Chuyên gia Mark Cancian thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế hồi tháng 10 nhận định: "Khi thời gian trôi qua, sẽ phải có sự đánh đổi khi một số hệ thống [vũ khí] chủ chốt được chuyển đến Israel. Một số hệ thống mà Ukraine cần cho phản công có lẽ sẽ không đủ số lượng như Ukraine mong muốn".

Tâm trạng kém lạc quan về triển vọng của cuộc xung đột Ukraine cũng được phản ánh qua ý kiến của một số cựu lãnh đạo NATO như cựu Tổng thư ký Anders Rasmussen và cựu Tư lệnh James Stavridis.

Theo ông Stavridis, ở thời điểm này rất khó để Ukraine buộc được Nga rút quân hoàn toàn khỏi lãnh thổ. Ông đề xuất Kyiv nên ngừng xung đột, nhận được đảm bảo an ninh từ NATO và nhanh chóng tái thiết đất nước, ưu tiên là dùng ngân sách từ tiền tịch thu của Nga. Ông cho rằng như vậy thì sau vài thập niên, Ukraine sẽ vượt trội Nga về kinh tế, chính trị và xã hội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.