Wonsan thành phố hai mặt ở Triều Tiên

31/12/2017 14:06 GMT+7

Thành phố Wonsan là minh chứng cho chính sách byungjin - tăng trưởng kinh tế song song với phát triển vũ khí hạt nhân - mà nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un khởi xướng.

Tọa lạc ở phía đông nam Triều Tiên, thành phố cảng Wonsan với 360.000 dân đang là một trong những địa danh được giới quan sát phương Tây chú ý nhất thời gian qua. Một mặt đây là chốn nghỉ dưỡng lý tưởng và ưa thích của ông Kim Jong-un, mặt khác đây lại là nơi nhà lãnh đạo này phát lệnh khai hỏa 40 quả tên lửa các loại để chứng tỏ sự tiến bộ của năng lực quân sự Triều Tiên. “Với người bên ngoài, nghe có vẻ điên rồ khi lãnh đạo Kim Jong-un cho phóng tên lửa ở nơi ông ấy muốn đẩy mạnh phát triển kinh tế, nhưng đó là cách ông điều hành đất nước”, Reuters dẫn lời chuyên gia về kinh tế Triều Tiên tại Đại học Kyungnam (Hàn Quốc) Lim Eul-chul.
Từ thiên đường du lịch...
Kế hoạch phát triển Wonsan được Triều Tiên công bố từ năm 2014 và được phổ biến rộng rãi thông qua hàng trăm trang ấn phẩm quảng cáo bằng tiếng Triều Tiên, tiếng Hoa, tiếng Nga và tiếng Anh trong hai năm 2015 và 2016. Dự án “Khu du lịch đặc biệt Wonsan” với diện tích hơn 400 km2 được Bình Nhưỡng kêu gọi đầu tư nước ngoài lên đến 1,5 tỉ USD. Thiên đường này bao gồm 140 di tích lịch sử, 10 bãi biển đẹp, 680 điểm đón khách du lịch, 4 suối nước nóng, nhiều khu nghỉ dưỡng và hồ tự nhiên cùng hơn 3,3 triệu tấn bùn khoáng phục vụ trị liệu chứng đau dây thần kinh và viêm đại tràng. Ngoài một khu trượt tuyết và một sân bay đã được xây dựng, ông Kim Jong-un còn kêu gọi các nhà đầu tư đổ tiền vào trung tâm thương mại 7,3 triệu USD, dự án phát triển trung tâm thành phố 197 triệu USD và một sân golf trị giá 123 triệu USD.

tin liên quan

Nguy cơ núi thiêng của Triều Tiên bùng nổ
Các chuyên gia CHDCND Triều Tiên và phương Tây vừa hợp lực đánh giá núi lửa khổng lồ ở phía bắc bán đảo Triều Tiên, và phát hiện nó có thể khai hỏa trong tương lai gần.
Để thu hút đầu tư, Triều Tiên hứa hẹn sẽ tạo ra khoản lợi nhuận “sạch”, trong đó tỷ lệ hoàn vốn nội bộ trong khoảng 14 - 43%. Trung tâm thương mại Wonsan thì cho phép nhà đầu tư nước ngoài giữ cổ phần lên đến 61,3%. Đổi lại, chủ đầu tư có thể thu về lợi nhuận ròng khoảng 1,3 triệu USD mỗi năm. Kế hoạch phát triển Wonsan cũng đưa ra những điều kiện hấp dẫn khác như chính phủ Triều Tiên sẽ đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư nước ngoài và có thể chuyển tiền tới mọi nơi mà không chịu bất kỳ sự hạn chế nào. Thậm chí, Triều Tiên còn cho họ thuê đất tới 50 năm. Tuy vậy, một số dự án khác có sự phân biệt rõ khi nhà đầu tư trong nước không bị đánh thuế, còn người nước ngoài phải chịu nhiều loại thuế lên đến 15%.
Không chỉ kêu gọi vốn, đầu năm nay Bình Nhưỡng còn cử 16 quan chức sang Tây Ban Nha để học hỏi và tìm ý tưởng phát triển Wonsan. Theo thông tin từ sứ quán Triều Tiên tại Madrid, giới chức Bình Nhưỡng đã tới thăm Marina d'Or, một trong những khu phức hợp nghỉ dưỡng lớn nhất Tây Ban Nha, và công viên giải trí Terra Mitica nổi tiếng. Theo Reuters, cố vấn người Canada Michael Spavor tại Trung tâm trao đổi văn hóa Paektu - nghiên cứu về kinh tế Triều Tiên, người từng có cơ hội được ngồi trà đạo với ông Kim Jong-un trên du thuyền ngoài cảng Wonsan hồi năm 2013, kể lại rằng nhà lãnh đạo này đã nói rất nhiều về mong muốn đầu tư và phát triển, thu hút du khách quốc tế và thương nhân đến Wonsan.
Triều Tiên đặt mục tiêu ngắn hạn là thu hút gần 1 triệu du khách mỗi năm, sau đó tăng lên 5 - 10 triệu du khách trong tương lai gần. Ấn phẩm quảng cáo của Triều Tiên khẳng định khách quốc tế quan tâm đến dự án Wonsan tăng lên từng ngày, tuy nhiên giới quan sát phương Tây cho rằng “thiên đường du lịch” vẫn chưa mang lại hiệu quả đáng kể. Chưa có nhà đầu tư lớn nào gật đầu và sân bay Kalma tại Wonsan hoàn thiện từ năm 2015 cũng chưa mở đường bay quốc tế nào.
Wonsan thành phố hai mặt ở Triều Tiên1
Hình ảnh được cho là ông Kim Jong-un lúc nhỏ tại Wonsan, do đầu bếp Nhật Bản Kenji Fujimoto cung cấp Ảnh: Reuters
... đến nơi thử nghiệm vũ khí
Chú trọng phát triển là thế, nhưng Wonsan cũng là nơi được nhà lãnh đạo Kim Jong-un chọn để thử nghiệm hàng loạt vũ khí, bất chấp quan ngại từ cộng đồng quốc tế. Hồi tháng 4, nhân kỷ niệm 85 năm thành lập quân đội nhân dân, Triều Tiên đã tiến hành tập trận bắn đạn thật “có quy mô lớn nhất từ trước đến nay” tại căn cứ quân sự ở Wonsan. Trong đợt diễn tập pháo binh đó, Bình Nhưỡng đã dùng đến 300 khẩu pháo tự hành hạng nặng nhắm bắn vào mục tiêu giả lập trên hòn đảo nhỏ cách đó 3 km. Truyền hình quốc gia Triều Tiên khi đó đưa tin lần khai hỏa rầm rộ khiến hòn đảo hóa bụi mù. Cũng từ thành phố xinh đẹp này, Triều Tiên phóng đi gần 40 tên lửa các loại, trong đó có tên lửa tầm trung Musudan, tên lửa hành trình chống hạm, tên lửa đất đối hạm. Theo trang tin 38 North, Triều Tiên cũng đã từng phóng tên lửa đạn đạo từ sân bay quốc tế Kalma vốn được cho là nhằm thu hút du khách tới Wonsan.
Tại thành phố với hai mảng màu đối lập này, nhiều gia đình vẫn câu cá, ăn kem và tận hưởng gió biển. Trong một phóng sự của CNN, nhiều người dân mỗi khi nhìn thấy ánh lửa lóe sáng phía xa sau một vụ thử tên lửa lại cảm thấy tự hào về thành tựu của đất nước. Họ cho rằng việc phát triển vũ khí là cách để chính quyền lãnh đạo Kim Jong-un bảo vệ họ. Còn theo một số nhà nghiên cứu, Wonsan chính là biểu tượng về chiến lược của ông Kim Jong-un cho sự sống còn của Triều Tiên. Giới chức Bình Nhưỡng vẫn thường nhấn mạnh việc phát triển vũ khí là cách để nước này đảm bảo khả năng phòng vệ trước mối đe dọa từ bên ngoài. Trong khi đó, du lịch là một trong những ngành mà Triều Tiên có thể thu về ngoại tệ sau hàng loạt lệnh trừng phạt của LHQ. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã chọn Wonsan để đáp ứng cả hai yêu cầu trên. Ngay từ khi lên nắm quyền lãnh đạo, ông Kim Jong-un nói rằng sẽ giúp người dân sống không cần “thắt lưng buộc bụng”. Không rõ hiệu quả phát triển kinh tế trong chính sách song hành của ông hiện ở mức nào, nhưng giới quan sát đánh giá Bình Nhưỡng không hề “đóng cửa” hoàn toàn với thế giới mà đã có những bước chuyển trong việc giao lưu kinh tế với đối tác nước ngoài.
Nơi chôn nhau cắt rốn
Đến nay chưa có bất kỳ thông tin chính thức nào về nơi sinh của ông Kim Jong-un, tuy nhiên nhiều người dân sống tại Wonsan tin rằng nhà lãnh đạo này ra đời tại đây vì ông từng có thời gian sinh sống thuở còn nhỏ. Những lời kể của đầu bếp Nhật Bản Kenji Fujimoto, một trong số ít người từng chứng kiến thời thơ ấu của ông Kim Jong-un, cũng củng cố cho nhận định về nơi chôn nhau cắt rốn của lãnh đạo Triều Tiên. Bên cạnh đó, Wonsan còn là nơi Chủ tịch Kim Il-sung (Kim Nhật Thành) khai sinh ra nước Triều Tiên vào năm 1945, khi kết thúc thời kỳ thống trị của Nhật Bản. Ngay trung tâm thành phố, tượng hai cố lãnh đạo Kim Il-sung và Kim Jong-il được xây dựng và các du khách có thể đặt hoa tại đây để tưởng nhớ. Theo chuyên gia Spavor, Wonsan có vị trí rất đặc biệt trong tim ông Kim Jong-un. Trong khi đó, nhà nghiên cứu Kim Young-hui tại Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc, người sinh ra tại Wonsan và sang Seoul từ năm 2002, cho rằng phát triển thành phố cảng này sẽ giúp lãnh đạo Kim Jong-un trở thành nhà kiến thiết vĩ đại. “Ông ấy có những lý do chính trị mạnh mẽ để phát triển Wonsan”, Reuters dẫn lời bà Kim Young-hui nhận định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.