Xem nhanh 12h: Chi tiết vụ 4 tiếp viên xách ma túy | Khởi tố anh trai cựu Chủ tịch AIC

Thanh Niên
Đỗ Hùng: Tổ chức sản xuất Yến Thi: Biên tập Dựng phim: Vân Vân Yến Thi: Dẫn chương trình Thanh Hải: Quay phim Quỳnh Phương: Đọc thuyết minh 1 tin
18/03/2023 11:58 GMT+7

Bản tin Xem nhanh 12h ngày 18.3.2023 của Báo Thanh Niên có rất nhiều thông tin đáng chú ý từ trong nước đến quốc tế.

Cận cảnh bắt quả tang 4 nữ tiếp viên Vietnam Airlines ‘xách tay’ 10kg ma túy, thuốc lắc

Thông tin vụ 4 nữ tiếp viên Hãng hàng không Vietnam Airlines bị bắt quả tang ‘xách tay’ ma túy, thuốc lắc từ Pháp về Việt Nam khiến dư luận xôn xao.

Thông tin từ Cục Hải quan TP.HCM cho biết đây là lần đầu tiên hải quan phát hiện tiếp viên vi phạm về mang chất cấm, chưa có tiền lệ.

Cận cảnh bắt quả tang 4 nữ tiếp viên Vietnam Airlines ‘xách tay’ 10kg ma túy, thuốc lắc

Ngày 17.3.2023, thông tin từ ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM cho biết, qua sàng lọc, soi chiếu, hải quan nghi vấn trong vali của đoàn tiếp viên có chất cấm nên chuyển sang kiểm tra trực tiếp.

Kiểm tra những tuýp kem đánh răng, nước súc miệng trong hành lý của các tiếp viên, lực lượng chức năng tìm thấy 10 kg thuốc lắc và ma túy tổng hợp. Những người này gồm tiếp viên trưởng 37 tuổi (là người mặc áo dài vàng) và 3 nữ tiếp viên khác là những người mặc áo dài xanh.

Theo thông tin từ hải quan, các nữ tiếp viên này đã khóc và khai nhận rằng, tại Pháp, có một người nhờ "xách tay một số hàng hóa về nước" và trả công cho họ hơn 10 triệu đồng. Do quá mệt mỏi vì vừa trải qua chuyến bay dài nên họ chỉ xem qua loa vài tuýp kem và không thấy có gì bất thường.

Tại sân bay ở Pháp, hành lý của những tiếp viên này không bị phát hiện bất thường, đến khi về tới sân bay Tân Sơn Nhất mới bị lực lượng chức năng sân bay phát hiện.

4 tiếp viên hàng không Vietnam Airlines 'xách tay' 11,5 kg ma túy có bị xử lý hình sự?

Theo lãnh đạo Cục Hải quan TP.HCM, việc vi phạm khi mang hàng hóa của tiếp viên hàng không thỉnh thoảng vẫn bị phát hiện, tuy nhiên, đây là lần đầu tiên hải quan phát hiện tiếp viên mang hàng cấm với khối lượng lớn thế này.

Nhằm đảm bảo các công tác về tố tụng hình sự và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và quy chế phối hợp đối với các lực lượng có liên quan, Cục Hải quan TP.HCM đã chủ trì phối hợp với các đơn vị chức năng gồm Đội Kiểm soát ma túy (thuộc Cục Hải quan TP.HCM), Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (thuộc Bộ Công an), Đội Kiểm soát chống buôn lậu ma túy khu vực miền Nam, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an TP.HCM, Công an cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (thuộc Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an) để kiểm tra trọng điểm.

Kết quả kiểm tra hành lý của 4 nữ tiếp viên hàng không hãng Vietnam Airlines cho thấy có tổng cộng 8.400 gram viên nén màu xám và 3.080 gram chất bột màu trắng (theo cân điện tử tại Đội Thủ tục hành lý nhập khẩu).

Số hàng này được cất giấu, ngụy trang trong các tuýp kem đánh răng. Khi lấy mẫu thử nhanh (bằng vali thuốc thử), kết quả cho thấy, sản phẩm dương tính với thuốc thử Methamphetamine, Ketamine.

Thông tin từ Cục Hải quan TP.HCM cho biết Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã trưng cầu giám định tang vật nghi vấn là ma túy đã thu giữ trong vụ việc.

Sau khi có kết quả giám định, hải quan đã có công văn đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM tiếp nhận điều tra xử lý theo thẩm quyền.

Ngoài ra, các đơn vị có liên quan sẽ tiếp tục thực hiện các bước nghiệp vụ tiếp theo.

4 tiếp viên hàng không Vietnam Airlines xách tay thuốc lắc: Có người mới bay hơn 1 năm

Liên quan đến vụ việc, trong ngày 17.3.2023, thông tin với phóng viên Báo Thanh Niên, đại diện Vietnam Airlines cho biết đã nhận được thông tin của Chi cục Hải quan Tân Sơn Nhất về việc đang tạm giữ 4 tiếp viên thực hiện nhiệm vụ trên chuyến bay VN10 từ Paris về TP.HCM do nghi ngờ trong hành lý của các tiếp viên này có mang theo chất cấm.

Sau khi nhận được thông tin vụ việc, hãng này đã quyết định đình chỉ thực hiện nhiệm vụ đối với 4 tiếp viên để phục vụ công tác điều tra. Vietnam Airlines cho biết các cá nhân vi phạm quy định của pháp luật, vi phạm nội quy lao động đều phải bị xử lý nghiêm theo quy định, đơn vị sẽ không bao che.

Hiện hãng đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để điều tra, làm rõ vụ việc, xử lý đúng người, đúng hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật và nội quy lao động của đơn vị và sẵn sàng cung cấp các thông tin chính xác, kịp thời dựa trên các nguồn tin xác thực.

Trao đổi với Báo Thanh Niên, Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM Đinh Ngọc Thắng khẳng định, không phải việc phát hiện, phá án dạng này là tình cờ. Căn cứ loạt thông tin tình báo, các nghiệp vụ kiểm soát hải quan, loạt dấu hiệu nghi vấn, đối tượng trọng điểm, thông tin thu nhập... Cục Hải quan TP.HCM mới chỉ đạo phá án.

Hiện việc điều tra mở rộng để tìm đường dây, đối tượng cầm đầu... đang được lực lượng chức năng phối hợp điều tra.

Hình ảnh nhiều người vay tiền bị cắt ghép ở Công ty F88 Tiền Giang

Chiều 17.3, tin từ Phòng Tham mưu Công an tỉnh Tiền Giang cho biết, lực lượng của đơn vị đang đồng loạt kiểm tra hành chính 13 địa điểm kinh doanh của Công ty CP kinh doanh F88 (Công ty F88 - trụ sở chính tại Q.Thanh Xuân, TP.Hà Nội) trên địa bàn tỉnh này.

Xem nhanh 12h: Chi tiết vụ 4 tiếp viên xách ma túy - Ảnh 2.

Lực lượng Công an tỉnh Tiền Giang kiểm tra chi nhánh Công ty F88 tại TP.Mỹ Tho

BẮC BÌNH

Theo đó, từ 9 giờ sáng 15.3, Công an tỉnh Tiền Giang cử 13 tổ công tác gồm lực lượng cảnh sát hình sự, cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và công an các địa phương cấp huyện đồng loạt kiểm tra hành chính 13 địa điểm kinh doanh của Công ty F88 trên địa bàn tỉnh này.

Cụ thể gồm: chi nhánh chính Công ty F88 tại 191 Lê Thị Hồng Gấm, P.4, TP.Mỹ Tho, do N.Q.H (40 tuổi, ngụ Q.Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội) đứng tên và 12 địa điểm kinh doanh khác của công ty này trên địa bàn TP.Mỹ Tho, TX.Gò Công, TX.Cai Lậy và các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Gò Công Tây, Gò Công Đông.

Qua kiểm tra sơ bộ, lực lượng chức năng phát hiện các địa điểm kinh doanh của Công ty F88 trên địa bàn Tiền Giang có những hành vi vi phạm như: lập sổ quản lý, lưu trữ số liệu, tình hình hoạt động kinh doanh không đúng hoặc không đầy đủ theo quy định của Bộ Công an; kê khai không trung thực, không chính xác các nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp; không thực hiện đầy đủ các quy định về trách nhiệm đảm bảo an ninh, trật tự khi hoạt động hành nghề kinh doanh có điều kiện…

Xem nhanh 12h: Chi tiết vụ 4 tiếp viên xách ma túy - Ảnh 3.

Công an kiểm tra điểm kinh doanh của Công ty F88 tại H.Chợ Gạo, Tiền Giang

BẮC BÌNH

Ngoài ra, 13 địa điểm kinh doanh này đều thực hiện nhiều hợp đồng cho vay cầm cố tài sản, hợp đồng ký gửi tài sản có tính thêm các khoản phụ phí như "phí thẩm định điều kiện vay 1,4%/tháng, phí quản lý tài sản cầm cố 5%". Đồng thời, người vay trả tiền hằng tháng còn phải chịu thêm một khoản tiền thuế tương ứng với số tiền trả hằng tháng.

Tại 13 điểm kinh doanh của Công ty F88 trên địa bàn Tiền Giang có gần 3.700 hồ sơ vay, đã giải ngân với số tiền trên 42,5 tỉ đồng; trong đó có nhiều hồ sơ, hình ảnh người vay tiền chưa trả bị cắt ghép với các nội dung như "truy tìm người lừa đảo giật nợ", "thông tin truy tìm đối tượng lừa đảo"… Qua xác minh, đa số người đứng đầu các địa điểm kinh doanh được Công ty F88 thuê mướn đứng tên pháp nhân, không liên quan đến hoạt động của công ty, nhưng sau đó ủy quyền cho các trưởng phòng quản lý trực tiếp tại các địa điểm kinh doanh để điều hành hoạt động cho vay, cầm cố tài sản.

Bước đầu, lực lượng chức năng xác định các điểm kinh doanh của Công ty F88 tại Tiền Giang cho vay, cầm cố tài sản với mức lãi suất phải trả 7,5%/tháng nhưng đối phó với cơ quan chức năng bằng cách chia thành các mức lãi suất nhỏ và đề ra nhiều loại thuế, phí khác. Do đó, hành vi này đã vi phạm Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31.12.2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội...

Lực lượng Công an tỉnh Tiền Giang đang lập biên bản kiểm tra, ghi nhận các hành vi vi phạm để tiếp tục xác minh, xử lý các sai phạm của Công ty F88 theo quy định của pháp luật.

Khởi tố anh trai cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn

Tối 17.3.2023, trao đổi với Báo Thanh Niên, trung tướng Tô Ân Xô, là người phát ngôn Bộ Công an cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố 5 bị can, sau khi mở rộng điều tra vụ án "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", xảy ra tại Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (tức Công ty AIC) và các đơn vị có liên quan.

Khởi tố anh trai cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn

Các bị can bị khởi tố cùng về tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", gồm:

  • Bị can Tạ Hải Anh, Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn Công nghệ cao
  • Bị can Cao Việt Bách, Giám đốc Công ty cổ phần BVA
  • Bị can Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần bất động sản Phúc Hưng
  • Bị can Trần Quốc Công, Giám đốc Công ty cổ phần Uy tín Toàn cầu
  • Và bị can Nguyễn Thị Quyên, Chủ tịch HĐQT Công ty thẩm định giá Cimeico

Theo trung tướng Tô Ân Xô, các bị can này phạm tội với vai trò đồng phạm.

Trong số các bị can, bị can Nguyễn Anh Dũng là anh trai bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty AIC).

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị tuyên án 30 năm tù trong một vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Đồng Nai và đang bỏ trốn.

Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, các quyết định và lệnh vừa nêu đã được thực thi, sau khi Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phê chuẩn.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang điều tra để kết luận hành vi phạm tội của các bị can đã khởi tố trong vụ án, đồng thời mở rộng điều tra và áp dụng các biện pháp để thu hồi triệt để tài sản cho nhà nước.

Ông Trần Phương Bình và đồng phạm “án chồng lên án”

Chiều 17.3.2023, TAND TP.HCM đã tuyên án đối với bị cáo Trần Phương Bình (nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á) và Phùng Ngọc Khánh (là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần M&C) cùng 6 đồng phạm.

Ông Trần Phương Bình và đồng phạm “án chồng lên án”

HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Trần Phương Bình mức án 20 năm tù. Tổng hợp các bản án trước đó, buộc bị cáo Trần Phương Bình phải thi hành án tù chung thân.

Bị cáo Phùng Ngọc Khánh lãnh án 19 năm tù. Tổng hợp các bản án trước đó, buộc bị cáo này phải thi hành án 30 năm tù.

6 bị cáo còn lại lãnh án từ 1 năm 6 tháng tù tới 7 năm tù giam cùng về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Về trách nhiệm dân sự, HĐXX buộc bị cáo Phùng Ngọc Khánh phải bồi hoàn toàn bộ thiệt hại của vụ án là hơn 5.500 tỉ.

HĐXX nhận định, bị cáo Trần Phương Bình đã chỉ đạo cấp dưới tại Ngân hàng Đông Á lập hồ sơ, phát hành chứng thư bảo lãnh trái phiếu cho Công ty cổ phần M&C mà không cần thẩm định điều kiện cho vay khiến Ngân hàng Đông Á thiệt hại hơn 5.500 tỉ đồng.

HĐXX đánh giá hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, gây tác động xấu cho hệ thống tín dụng. Trong đó, bị cáo Trần Phương Bình và bị cáo Phùng Ngọc Khánh chịu trách nhiệm chính. Các bị cáo đồng phạm chỉ là cấp dưới, làm theo chỉ đạo, bản thân các bị cáo này không được hưởng lợi cá nhân, không mong muốn hậu quả xảy ra.

Theo cáo trạng, Công ty cổ phần M&C là khách hàng tại Ngân hàng Đông Á. Khi các khoản vay đến hạn thanh toán nhưng không còn nguồn tiền trả nợ, bị cáo Phùng Ngọc Khánh đã đề nghị bị cáo Bình cho sử dụng pháp nhân của 5 công ty gồm Công ty Ngôi Sao, Công ty Liên Phát, Công ty Phát Vạn Hưng, Công ty Biển Bạc và Công ty Minh Quân, để vay tiền tại Ngân hàng Đông Á nhằm trả nợ cho các khoản vay trước đó.

Cáo trạng cáo buộc bị cáo Trần Phương Bình đã đồng ý, bàn bạc, thống nhất với Phùng Ngọc Khánh tổ chức lập khống hồ sơ, phương án kinh doanh để vay vốn của Ngân hàng Đông Á. Bị cáo Trần Phương Bình đã chỉ đạo các bị cáo nguyên là cán bộ Ngân hàng Đông Á không thẩm định hồ sơ vay và tài sản đảm bảo, lập tờ trình đề nghị phê duyệt cho 5 công ty trong nhóm M&C vay 1.680 tỉ đồng để bị cáo Phùng Ngọc Khánh sử dụng vốn vay sai mục đích.

Các bị cáo đã bảo lãnh thanh toán lô trái phiếu đến thời hạn thanh toán nhưng Công ty cổ phần M&C không trả được nợ Ngân hàng An Bình. Ngân hàng Đông Á đã cho Công ty cổ phần M&C vay 2 khoản tổng cộng hơn 146 tỉ đồng để bị cáo Phùng Ngọc Khánh sử dụng trả gốc và lãi của lô trái phiếu.

Tổng thiệt hại của Ngân hàng Đông Á từ hành vi phạm tội của bị cáo Trần Phương Bình và đồng phạm là hơn 5.500 tỉ đồng.

Đây là vụ án thứ tư bị cáo Trần Phương Bình bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ở 3 vụ án trước, bị cáo Bình đều liên quan đến sai phạm về lĩnh vực ngân hàng, và cựu Tổng giám đốc DAB bị tuyên tổng hợp hình phạt tù chung thân.

Bị cáo Phùng Ngọc Khánh cũng đang thi hành án 30 năm tù, tổng hợp 2 bản án về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và tội "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".

Bộ Công an cảnh báo chiêu dọa khóa sim để đánh cắp thông tin, chiếm số

Theo thông tin từ Bộ Công an, gần đây, Cục Viễn thông (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) đã có kế hoạch chuẩn hóa thông tin thuê bao di động nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng sim rác, gây nhiều phiền phức và hệ lụy.

Bộ Công an cảnh báo chiêu dọa khóa sim để đánh cắp thông tin, chiếm số

Theo đó, sau ngày 31.3.2023, thuê bao di động có thông tin chưa chuẩn, không trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ bị khóa, thậm chí bị dừng hợp đồng nếu không chuẩn hóa thông tin. Những trường hợp thuộc diện cần chuẩn hóa thông tin sẽ được nhà mạng gửi tin nhắn mỗi ngày 1 lần, trong 5 ngày liên tiếp để nhắc nhở.

Trước động thái này, tội phạm mạo danh nhà mạng hỗ trợ thuê bao bắt đầu "nở rộ". Thủ đoạn chung của nhóm tội phạm này là mạo danh nhân viên nhà mạng thực hiện các cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo đến nhiều người dân trong cả nước và thông báo thuê bao sắp bị khóa, yêu cầu nâng cấp, bổ sung thông tin cá nhân.

Từ đó, kẻ xấu lừa chiếm đoạt sim điện thoại di động của người dân rồi chiếm tài khoản ngân hàng, ví điện tử để chiếm đoạt tài sản. Hoặc, tội phạm lừa đánh cắp thông tin cá nhân của người dân để phục vụ vào các mục đích xấu khác.

Trước tình trạng này, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (tức A05) Bộ Công an khuyến cáo người dân cần cảnh giác đề phòng trước các cuộc gọi từ số lạ, dọa khóa thuê bao.

Ngoài ra, nếu nhận được các tin nhắn giả danh các nhà mạng, người dân không ấn vào đường dẫn yêu cầu cập nhật thông tin.

Theo A05, người dân cần chủ động kiểm tra lại thông tin thuê bao đã chính chủ hay chưa theo cú pháp "TTTB gửi 1414", áp dụng cho tất cả các nhà mạng.

Nếu sim chưa chính chủ, người dân cần đến các điểm giao dịch của nhà mạng, hoặc dùng ứng dụng của nhà mạng để cập nhật thông tin chứ tuyệt đối không cung cấp thông tin cho các cuộc gọi hỗ trợ chuyển đổi sim chính chủ, hay ấn vào đường link tin nhắn giả mạo.

Tất cả sẽ có trong Bản tin Xem nhanh 12h, được phát trên thanhnien.vn cùng kênh YouTube Báo Thanh Niên. Kính mời quý vị theo dõi.

Xem nhanh 12h của Báo Thanh Niên sẽ quay trở lại vào lúc 12 giờ trưa mai 19.3.2023 với những thông tin trong nước và quốc tế nóng hổi khác tại địa chỉ thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên.



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.