Xem nhanh: Ngày 415 chiến dịch, Nga đánh rát, Ukraine lùi ở Bakhmut; trùm Wagner đề xuất lạ Tổng thống Putin

Xem nhanh: Ngày 415 chiến dịch, Nga đánh rát, Ukraine lùi ở Bakhmut; trùm Wagner đề xuất lạ Tổng thống Putin

15/04/2023 23:26 GMT+7

Người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia và Quốc phòng Ukraine, ông Oleksiy Danilov, tuyên bố nước này sẽ “thử nghiệm và sử dụng” bất kỳ vũ khí nào không bị cấm để giành lại lãnh thổ của mình, bao gồm cả bán đảo Crimea mà Nga đã sáp nhập từ năm 2014.

Bình luận của ông Danilov xuất hiện giữa lúc Kyiv dự kiến sẽ tiến hành một cuộc phản công trong vài tuần hoặc vài tháng tới nhằm giành lại các khu vực lãnh thổ mà Nga đang kiểm soát ở phía nam và phía đông Ukraine.

Ông Danilov viết trên Twitter ngày 14.4 rằng “Crimea là lãnh thổ của Ukraine, và chúng tôi sẽ thử nghiệm và sử dụng ở đó bất kỳ loại vũ khí nào không bị luật pháp quốc tế cấm để giải phóng lãnh thổ của chúng tôi”.

Còn tại điểm nóng giao tranh là thành phố Bakhmut, ông Yan Gagin, cố vấn của lãnh đạo “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” (DPR) tự xưng, nói các đơn vị của Ukraine “đã bị đẩy ra vùng ngoại ô ở phía tây và các trận chiến ác liệt đang diễn ra ở đó”.

Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar gần đây cũng xác nhận hầu hết nỗ lực tấn công của Nga tập trung vào Bakhmut, với mật độ pháo binh và không quân lớn. Bà Maliar viết trên Twitter rằng “mỗi ngày, Nga thực hiện 40-50 cuộc tấn công và 500 đợt pháo kích ở Bakhmut”.

Nhà lãnh đạo nhóm quân sự tư nhân Nga Wagner, là lực lượng đóng vai trò xung kích tại Bakhmut, nhận định trận chiến kéo dài ở thành phố này có thể mang lại lợi thế cho các lực lượng Nga.

Ông Yevgeny Prigozhin giải thích rằng “Bakhmut tạo cơ hội cho quân đội Nga tích lũy lực lượng, kiểm soát các phòng tuyến thuận lợi, giải quyết các vấn đề nội bộ, huấn luyện quân được huy động” để sẵn sàng đương đầu với đợt phản công sắp tới.

Ông Prigozhin cho rằng, trận chiến Bakhmut không mang lại nhiều lợi thế cho Ukraine, thay vào đó đây lại là yếu tố gây mất ổn định. Tuy nhiên, ông cũng dự đoán, việc kiểm soát thành phố Bakhmut sẽ không đảm bảo giúp Nga nhanh chóng kiểm soát được vùng Donbass.

Tuy nhiên, ông Prigozhin cũng bất ngờ kêu gọi chính quyền Nga của Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố kết thúc chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Liên minh quân sự NATO sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại Lithuania vào tháng 7 tới, và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã được mời tham dự hội nghị này dù Kyiv không phải là thành viên.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tuyên bố Kyiv sẽ không chấp nhận một kết quả nào khác tại hội nghị ngoại trừ việc cho phép Ukraine gia nhập NATO.

Ông Kuleba nói: “Nếu họ lại tìm cách hứa hẹn tăng cường hợp tác giữa NATO và Ukraine, nhưng không thực hiện bước đi nào đối với việc phê chuẩn tư cách thành viên của Ukraine, điều này là không thể chấp nhận được”.

Ngoại trưởng Kuleba cũng cho rằng hội nghị NATO sắp tới nên tìm ra cách “đảm bảo an ninh cho Ukraine từ bây giờ đến thời điểm Ukraine trở thành thành viên của NATO”.

Tổng thư ký NATO Stoltenberg khẳng định Ukraine có thể được kết nạp vào liên minh quân sự 31 thành viên này trong tương lai. Tuy nhiên, theo nhà lãnh đạo NATO, “bước đầu tiên hướng tới khả năng trở thành thành viên NATO của Ukraine là đảm bảo Ukraine thắng thế và đó là lý do Mỹ cùng các đối tác cung cấp những hỗ trợ chưa từng có cho Ukraine”.

Cũng trên mặt trận ngoại giao, Mỹ và châu Âu đang tìm cách thuyết phục Trung Quốc gây sức ép lên Nga về cuộc xung đột ở Ukraine, cũng như không cung cấp vũ khí đạn dược cho Nga. Những lo ngại của các quốc gia phương Tây không phải là không có cơ sở, khi giới chức Ukraine cho biết nước này phát hiện ngày càng nhiều linh kiện nghi do Trung Quốc sản xuất trong các vũ khí mà Nga sử dụng.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 14.4 cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc sẽ có chuyến thăm Nga vào ngày 16-18.4. Trong chuyến đi, ông Lý và người đồng cấp Nga Sergei Shoigu sẽ thảo luận về an ninh toàn cầu và khu vực. Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc có kế hoạch đến thăm một cơ sở giáo dục quân sự.

Quay lại với diễn biến tại chiến trường Bakhmut. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố, quân đội Ukraine sẽ bám trụ ở thành phố lâu nhất có thể để bào mòn lực lượng của Nga. Mặt khác, ông cho hay, nếu lực lượng của Kyiv có nguy cơ bị bao vây, các chỉ huy sẽ đưa ra quyết định thích hợp. Nhóm Wagner tuyên bố các lực lượng Nga kiểm soát khoảng 80% Bakhmut nhưng phía Ukraine đã bác bỏ.

Trong bài phát biểu qua video tối qua 14.4, Tổng thống Zelensky cho biết ông đã chỉ đạo các chỉ huy quân đội rằng mục tiêu chính vẫn là “tiêu diệt con người và làm cạn kiệt nguồn lực Nga”.

Báo Mỹ The New York Times mới đây đã gặp và phỏng vấn một số quân nhân Ukraine đang chiến đấu tại Bakhmut.

Kênh tin tức RT của Nga đưa tin người lãnh đạo nhóm quân sự tư nhân Nga Wagner, ông Yevgeny Prigozhin, nhận định rằng các tài liệu của Lầu Năm Góc bị rò rỉ lên mạng thời gian qua không có bất cứ thông tin chiến lược nào có thể gây hại cho Ukraine. Ông Prigozhin vì vậy cho rằng sự chú ý của giới truyền thông với các tài liệu này có thể là một nỗ lực của phương Tây nhằm trì hoãn kế hoạch phản công vào mùa xuân của Ukraine.

Theo ông Prigozhin, các tài liệu bị rò rỉ không có bất cứ thông tin nào có thể tác động tiêu cực tới kế hoạch phản công mà Ukraine đã chuẩn bị trong thời gian qua.

Người lãnh đạo nhóm Wagner cũng cho biết phía Ukraine đã sẵn sàng phản công và Nga sẵn sàng để đối phó. Ông dự đoán, sẽ chưa thể có các hoạt động đàm phán giữa 2 bên mà chỉ có các trận chiến để mỗi bên quyết định ưu thế vào lúc này. Cả Mỹ và Ukraine chưa bình luận về nhận định của ông Prigozhin.

Theo hãng tin Reuters, Phần Lan đang bắt đầu dựng hàng rào biên giới với Nga nhằm ứng phó với những quan ngại về vấn đề nhập cư và an ninh. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Phần Lan đã thay đổi chính sách trung lập nhiều năm qua và vừa chính thức trở thành thành viên của NATO.

Phần Lan đã quyết định xây hàng rào từ năm ngoái, với mục đích chính là ngăn dòng người di cư từ Nga sang. Được làm bằng lưới thép, hàng rào này dự kiến sẽ bao phủ khoảng 200 km phần quan trọng nhất của biên giới vào cuối năm 2026. Tổng chiều dài đường biên giới giữa hai nước là khoảng 1.300 km

Năm ngoái, Phần Lan chỉ phát hiện 30 vụ vượt biên trái phép ở đó, trong khi lực lượng biên phòng Nga ngăn chặn khoảng 800 vụ có ý định di chuyển vào Phần Lan.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.