Xem nhanh: Ngày 459 chiến dịch, Nga tung đòn tập kích dồn dập nhất; F-16 sẽ giúp gì cho Ukraine?

Xem nhanh: Ngày 459 chiến dịch, Nga tung đòn tập kích dồn dập nhất; F-16 sẽ giúp gì cho Ukraine?

29/05/2023 23:34 GMT+7

Ngày hôm nay 29.5, Nga tiến hành tập kích dữ dội bất thường vào Ukraine

Chỉ riêng trong sáng nay, thủ đô Kyiv đã bị tấn công đến 2 lần, đánh dấu trận tập kích đường không thứ 16 nhằm vào thành phố này trong vòng chưa đầy một tháng.

Theo báo Pravda của Ukraine, khoảng 11h hôm nay 29.5 theo giờ địa phương, Kyiv tiếp tục rung chuyển vì các vụ nổ lớn. Mới chỉ vài giờ trước đó, Nga đã phóng 75 tên lửa hành trình và máy bay không người lái (UAV) vào Kyiv và một số khu vực khác của Ukraine.

Theo ghi nhận của báo The Guardian, cuộc tập kích mới nhất diễn ra giữa ban ngày, khác với hầu hết những lần trước. Và chỉ chưa đầy 5 phút sau khi còi báo động vang lên, Kyiv rung chuyển bởi ít nhất 11 tiếng nổ lớn.

Hiện chưa có thông tin chi tiết về đợt tập kích mới nhằm vào Kyiv. Phát ngôn viên không quân Ukraine Yuri Ihnat nhận định, Nga có thể đã dùng tên lửa đạn đạo Iskander, S-300 và S-400 để tấn công.

Ngoài Kyiv, còi báo động không kích cũng vang lên ở vùng Chernihiv, Kharkiv, Lviv.

Vào đầu buổi sáng, Tổng Tư lệnh quân đội Ukraine Valerii Zaluzhnyi thông báo Nga đã sử dụng 40 tên lửa hành trình và 35 UAV để tấn công Kiev và một số khu vực của Ukraine. Hệ thống phòng không Ukraine đã phá hủy 67 trong số 75 mục tiêu trên không này.

Hai cuộc tấn công vào đêm và sáng 29.5 diễn ra ngay sau đợt tập kích bằng UAV dữ dội chưa từng thấy của Nga vào Kyiv hôm qua, mà theo phía Kyiv có đến 59 UAV tự sát đã được Nga triển khai tấn công.

Ở một diễn biến khác, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov mới đây đã gửi đến phương Tây lời cảnh báo là “đừng đùa với lửa".

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov vừa ca ngợi hiệu quả tác chiến tuyệt đối của tên lửa hành trình Storm Shadow do Anh viện trợ cho Ukraine.

Phát biểu trong cuộc gặp với người đồng cấp Anh Ben Wallace, ông Reznikov nhấn mạnh: "Theo báo cáo của Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine, tất cả những tên lửa Storm Shadow được chúng tôi phóng đi đều bay tới mục tiêu. Tỷ lệ đánh trúng là 100%".

Thông tin do Bộ trưởng Reznikov đưa ra trái ngược với những tuyên bố trước đó của Bộ Quốc phòng Nga.

Liên tục trong những ngày qua, Trung tướng Igor Konashenkov, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Nga, khẳng định lực lượng phòng không nước này đã bắn hạ nhiều tên lửa Storm Shadow của Ukraine.

Trong thông tin về cảnh báo của Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov, chúng ta có nghe ông nhắc đến khả năng phương Tây sẽ phối hợp chuyển giao tiêm kích F-16 cho Ukraine.

Lầu Năm Góc gần đây cho biết để chuyển 10 tiêm kích F-16 cho Ukraine, Mỹ cùng đồng minh cần 2 tỉ USD để mua khí tài và duy trì vận hành.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 25.5 cho biết Đan Mạch và Hà Lan đã "quyết định tiên phong" trong xây dựng kế hoạch huấn luyện phi công Ukraine vận hành tiêm kích F-16, trong khi các quốc gia khác như Na Uy, Bỉ, Bồ Đào Nha và Ba Lan cam kết hỗ trợ.

Đại tướng Mark Milley, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cho hay các nước sẽ chuyển giao 10 tiêm kích F-16 cho Ukraine, đồng thời tính toán chi phí của nỗ lực này. Ông nói: "Cần 1 tỉ USD để mua số tiêm kích đó, việc duy trì hoạt động mất thêm 1 tỉ USD, do đó cần 2 tỉ USD cho 10 chiếc F-16".

Tiêm kích đa năng F-16 do General Dynamics phát triển từ những năm 1970, được Mỹ và các đồng minh sử dụng. Mỗi chiếc F-16 có giá khoảng 30-35 triệu USD tùy biến thể, nhưng khách hàng có thể trả nhiều hoặc ít hơn dựa vào số lượng đặt mua, điều kiện kinh tế - chính trị và các yếu tố khác.

Tuy nhiên, Tướng Milley cùng các chỉ huy quân sự Mỹ khẳng định tiêm kích F-16 không phải thứ vũ khí thần kỳ để Ukraine thay đổi cục diện xung đột với Nga. 

Không quân Mỹ gọi F-16 là hệ thống vũ khí hiệu suất cao, chi phí tương đối thấp.

Hàng nghìn chiếc F-16 đã được chế tạo trong nhiều thập kỷ và hàng trăm chiếc đã được xuất khẩu trên khắp thế giới.

Theo thư mục Lực lượng Không quân Thế giới của Flight Global, gần 2.200 chiếc F-16 đang hoạt động trên toàn thế giới trong năm nay, khiến nó trở thành máy bay chiến đấu phổ biến nhất trên hành tinh với 15% phi đội trên thế giới.

Theo CNN, những chiếc F-16 dành cho Ukraine dự kiến sẽ là phiên bản cũ hơn đã từng có mặt ở phi đội của các đồng minh của Mỹ, đặc biệt là các nước Tây Âu.

Các nhà phân tích cho biết những chiếc F-16 mà Ukraine sẽ nhận được không phải là những chiếc cũ nhất hiện có, mà là những chiếc máy bay đã trải qua quá trình nâng cấp, nghĩa là chúng sẽ được cải tiến hệ thống điện tử hàng không và phần mềm.

Người lãnh đạo nhóm quân sự tư nhân Wagner Yevgeny Prigozhin hôm 28.5 cho biết việc bàn giao Bakhmut lại cho lực lượng chính quy Nga sẽ không hoàn tất kịp thời hạn ngày 1.6, mà sẽ kéo dài sang ngày 5.6. Ông giải thích rằng lực lượng Wagner cần thêm vài ngày để chuyển giao mọi thiết bị trong điều kiện tốt.

Ông Prigozhin cũng nói rõ ý định của Wagner là rút hoàn toàn khỏi Bakhmut để trở về các doanh trại ở hậu phương trước ngày 5.6. Tờ The Washington Post hôm 28.5 dẫn lời quan chức Ukraine ở khu vực Bakhmut cho biết đã chứng kiến lực lượng Wagner rời khỏi Bakhmut và quân chính quy Nga tiến vào thay thế.

Trong một thông tin khác, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Andrii Yermak, hôm 28.5 cho rằng việc Kyiv được mời gia nhập liên minh quân sự NATO sẽ đóng vai trò then chốt trong việc chấm dứt xung đột. Ông Yermak nói nếu điều đó xảy ra, Nga rốt cuộc sẽ buộc phải chấp nhận Ukraine là một thành viên của liên minh quân sự do Mỹ dẫn dắt.

Ông cho biết, Ukraine sẽ cần các cam kết đảm bảo an ninh trong quá trình gia nhập NATO, trước khi Điều 5 của Hiến chương NATO có hiệu lực. Như quý vị đã biết, Điều 5 này là quy định về phòng thủ tập thể, theo đó bất cứ cuộc tấn công vũ trang nào nhằm vào một hoặc nhiều quốc gia thành viên NATO sẽ bị coi là chống lại toàn bộ liên minh quân sự.

Điều khoản phòng thủ tập thể của NATO cho đến nay mới chỉ được kích hoạt một lần, đó là sau vụ tấn công khủng bố ở Mỹ vào ngày 11.9.2001. Các lực lượng của NATO sau đó đã được triển khai tới Afghanistan.

Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Anh Andrey Kelin ngày 28.5 cho biết Nga sẵn sàng đàm phán hòa bình với Ukraine nhưng sẽ không từ bỏ các điều kiện của mình, theo hãng tin TASS.

Ông Kelin nói với đài BBC rằng: "Chúng tôi muốn hòa bình, nhưng tất nhiên là với những điều kiện nhất định. Đối với chúng tôi, có hai điều quan trọng. Đó là sẽ không có mối đe dọa nào từ Ukraine đối với Nga - đây là điều kiện đầu tiên. Và điều kiện thứ hai là người Nga ở Ukraine sẽ được đối xử như mọi dân tộc khác trên thế giới. Giống như người Pháp đang được đối xử ở Bỉ, hay giống như người Ý và người Đức đang được đối xử ở Thụy Sĩ, không có gì khác biệt".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.