Xem nhanh: Ngày 495 chiến dịch, Nga nói diệt 16 xe tăng Leopard; Ukraine có thể nhận tên lửa ATACMS, bom chùm?

Xem nhanh: Ngày 495 chiến dịch, Nga nói diệt 16 xe tăng Leopard; Ukraine có thể nhận tên lửa ATACMS, bom chùm?

04/07/2023 23:31 GMT+7

Bộ Quốc phòng Nga cho biết đã chặn 5 máy bay không người lái (UAV) của Ukraine gần Moscow vào hôm 4.7.

Ukraine hiếm khi bình luận về các cuộc tấn công trên đất Nga, vốn đã gia tăng trong những tháng gần đây.

Trong một tuyên bố trên Telegram, Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ đã ngăn chặn nỗ lực của Ukraine nhằm thực hiện một cuộc tấn công "khủng bố" bằng 5 UAV nhắm vào các mục tiêu gần thủ đô. Bộ này cho biết 4 trong số các UAV đã bị lực lượng phòng không đánh chặn, còn chiếc còn lại bị tác chiến điện tử ngăn chặn và rơi ở quận Odintsovo, khu vực Moscow.

Phát biểu trước đó cùng ngày, thị trưởng Moscow cho biết vụ tấn công đã buộc sân bay Vnukovo, một trong bốn sân bay phục vụ thủ đô, phải chuyển hướng các chuyến bay. Cơ quan hàng không Nga cho biết 6 chuyến bay đã bị chuyển hướng khỏi sân bay do "các vấn đề kỹ thuật". Bộ Quốc phòng cho biết không có thương vong hay thiệt hại nào trong quá trình đánh chặn máy bay không người lái.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố vụ tấn công bị cáo buộc nhằm vào cơ sở hạ tầng dân sự. Bà Maria Zakharova nói: "Việc [Tổng thống Ukraine Volodymyr] Zelensky thực hiện các cuộc tấn công này bằng vũ khí do phương Tây cung cấp hoặc mua bằng tiền của phương Tây, chính là chủ nghĩa khủng bố quốc tế".

Phía Ukraine vẫn chưa bình luận về các cáo buộc của Nga.

Truyền thông Mỹ gần đây cho biết giám đốc CIA đã có chuyến thăm đến Kyiv vào cuối tuần qua. Sau đó, tổng thống Ukraine trong cuộc phỏng vấn với CNN đã được hỏi về sự kiện này.

Ông Oleksiy Danilov, người đứng đầu Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, hôm 3.7 nhận định lực lượng nước này trong những ngày gần đây đã “phá hủy kho nhiên liệu, sở chỉ huy, lá chắn phòng không và pháo” của Nga, qua đó "hoàn thành nhiệm vụ số 1" trong cuộc phản công.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov đã bác bỏ những nghi ngờ về khả năng thành công của cuộc phản công, và gợi ý rằng lực lượng Kyiv hiện chỉ đang ở giai đoạn đầu của một cuộc phản công quy mô lớn hơn nhiều.

Trong báo cáo cập nhật tình báo mới nhất, Bộ Quốc phòng Anh ghi nhận thách thức của Ukraine là các bãi mìn dày đặc của Nga. Báo cáo này nhận định Nga sử dụng rất nhiều mìn chống tăng để ngăn chặn sức mạnh thiết giáp của Ukraine. "Sau khi làm chậm bước tiến của Ukraine, Nga sau đó đã cố gắng tấn công các phương tiện bọc thép của Ukraine bằng máy bay không người lái, trực thăng tấn công và pháo binh", báo cáo cho biết.

Bộ Quốc phòng Anh cũng chỉ ra những điểm yếu của lực lượng Nga, như phải kéo căng lực lượng trên các điểm nóng ở tiền tuyến và thiếu đạn pháo.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hôm 3.7 vẫn rất tự tin khi nhận định cuộc phản công đang diễn ra của Ukraine đã không đạt được mục tiêu theo bất kỳ hướng nào.

Một số xe tăng Leopard mà Ukraine phải bỏ lại trong các đợt tấn công bất thành có thể đã bị Nga tịch thu. Trong trường hợp này, người Nga sẽ có thể cố gắng tìm hiểu những bí quyết quân sự gì của xe tăng Đức? Theo các nhà bình luận Nga, một số điểm đáng quan tâm mà xe tăng Nga có thể học hỏi, đó là lớp giáp bằng vật liệu phức hợp, hệ thống điều khiển hỏa lực, hệ thống thông tin liên lạc; khả năng chống mìn của khung gầm, và hệ thống truyền động của tháp pháo.

Liên quan đến xe tăng Leopard viện trợ cho quân đội Ukraine, trong chuyến thăm Ba Lan hôm 3.7, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius kêu gọi Warsaw giải quyết tranh cãi liên quan đến kế hoạch thành lập trung tâm sửa chữa cho xe tăng Leopard 2 tại Ba Lan trong 10 ngày.

Kế hoạch xây dựng trung tâm sửa xe tăng với chi phí ước tính hơn 163 triệu USD được công bố tháng 4, dự kiến sửa chữa xe tăng Leopard 2 mà phương Tây viện trợ cho Ukraine.

Tờ Spiegel dẫn nguồn tin cho biết trung tâm sửa chữa xe tăng dự kiến đặt tại Poznan và Gliwice, Ba Lan với chi phí do chính phủ Đức chi trả. Tuy nhiên, theo nguồn tin này, Ba Lan đã tính chi phí sửa xe tăng Ukraine quá cao mà lại “không muốn cung cấp bất cứ đảm bảo nào cho hoạt động sửa chữa".

Chuyển sang một thông tin khác. Theo CNN, các nhà lãnh đạo thế giới bao gồm Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã gặp nhau hôm 4.7 trong một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của các nhà lãnh đạo Á-Âu do Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chủ trì.

Cuộc họp trực tuyến kéo dài một ngày của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) dự kiến sẽ giúp ông Putin có cơ hội củng cố hình ảnh và trấn an các đối tác của Moscow. Tại đây, nhà lãnh đạo Nga đã gửi lời cảm ơn đến các đồng vì đã sát cánh cùng Moscow.

Đây cũng là cơ hội để tổ chức do Trung Quốc và Nga thành lập mở rộng phạm vi hoạt động của mình, với sự tham gia dự kiến của Iran và một bước hướng tới chào đón đồng minh trung thành của Moscow là Belarus.

Trong bài phát biểu khai mạc, ông Modi đã ca ngợi SCO là “nền tảng quan trọng cho hòa bình, thịnh vượng và phát triển trong toàn bộ khu vực Á-Âu”.

Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên Tổng thống Putin xuất hiện trường quốc tế kể từ khi cuộc nổi loạn bất thành của Wagner xảy ra vào cuối tháng trước.

Trong một thông tin liên quan, phía Nga tuyên bố sẽ không bổ sung quân để thay thế cho lực lượng Wagner đã rút khỏi vùng chiến sự tại Ukraine.

Tổng thống Volodymyr Zelensky đã kêu gọi Tổng thống Mỹ Joe Biden mời Ukraine gia nhập NATO "ngay bây giờ".

Ông Zelensky cho biết Tổng thống Biden là người đưa ra quyết định về việc Ukraine có gia nhập NATO hay không.

“Ông ấy ủng hộ tương lai của chúng tôi trong NATO,” nhưng một lời mời bây giờ sẽ là động lực rất lớn cho các binh sĩ Ukraine, ông Zelensky nói trong một cuộc phỏng vấn với CNN.

NATO sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh tại Lithuania vào ngày 11 và 12.7. Tại đây, các nhà lãnh đạo dự kiến sẽ thảo luận về tư cách thành viên của Ukraine.

Ở một diễn biến khác, như quý vị đã biến, chiến dịch phản công của Kyiv hiện đang không đạt đúng kỳ vọng của Mỹ và phương Tây. Washington được cho là nhận thấy “nhu cầu cấp thiết” để tăng cường khả năng quân sự của Ukraine trong bối cảnh cuộc phản công của nước này bị đình trệ.

Cũng trong một diễn biến liên quan, một quan chức Mỹ xác nhận chính quyền Tổng thống Joe Biden đang xem xét cung cấp bom chùm cho Ukraine.

NATO xác nhận ông Jens Stoltenberg sẽ tiếp tục giữ vị trí tổng thư ký NATO cho đến tháng 10.2024.

Ông Stoltenberg, cựu thủ tướng Na Uy, là tổng thư ký thứ 13 của Nato và đảm nhận vai trò này từ năm 2014.

Trước đó, ông dự kiến rời vị trí vào tháng 9. Nhiều thành viên NATO muốn xác định người kế nhiệm ông trong hoặc trước hội nghị thượng đỉnh NATO ở Litva giữa tháng 7. Sự gấp rút này khiến cho 31 thành viên liên minh không có nhiều thời gian để tìm kiếm sự đồng thuận cần thiết trong việc chọn ra lãnh đạo mới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.