Điểm xung đột: Xe tăng Abrams xuất trận; NATO nói Ukraine có quyền tấn công đất Nga

Điểm xung đột: Xe tăng Abrams xuất trận; NATO nói Ukraine có quyền tấn công đất Nga

25/02/2024 22:57 GMT+7

Ngày 25.2.2024 là ngày đầu tiên của năm thứ ba xung đột Nga-Ukraine và cuộc chiến vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến căng thẳng. Reuters đưa tin Ukraine đã phá hủy 16 trong số 18 máy bay không người lái tấn công do Nga phóng trong đêm qua.

Trên ứng dụng Telegram, Lực lượng không quân cho biết các máy bay không người lái đã bị bắn hạ trên 8 khu vực trên khắp miền trung, miền tây và miền nam Ukraine, bao gồm cả khu vực thủ đô Kyiv.

Trong khi đó, The Guardian dẫn lời ông Igor Artamonov, người đứng đầu TP.Lipetsk thuộc tỉnh cùng tên của Nga, cho biết một đám cháy đã bùng phát và được dập tắt tại nhà máy chính của nhà sản xuất thép NLMK. Vụ hỏa hoạn xảy ra ngày 24.2, được cho là kết quả từ một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV). Tuy nhiên, phía Nga không nêu đích danh nghi phạm đứng sau vụ việc.

Dù vậy, Reuters dẫn một nguồn tin Ukraine khẳng định lực lượng nước này đã tấn công nơi này bằng máy bay không người lái trong đêm 23-24.2. Nguồn tin còn khẳng định cuộc tấn công vào nhà máy thép ở Nga nói trên nằm trong một hoạt động chung của cơ quan tình báo quân sự HUR và cơ quan an ninh SBU của Ukraine. Tuy nhiên, phía Kyiv chưa có bình luận gì về thông tin này.

Nhà máy nói trên của NLMK nằm cách biên giới Nga - Ukraine khoảng 400km, sản xuất khoảng 18% sản phẩm thép cho Moscow. Ông Artamonov cho biết may mắn rằng vụ cháy không gây ra thương vong về người. Hiện chưa có thông tin về phản ứng của Bộ Quốc phòng Nga về cuộc tấn công như trên.

Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga thông báo Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đã đến kiểm tra các binh sĩ và nghe báo cáo của các chỉ huy Trung tâm Nhóm tác chiến trong khu vực hoạt động quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, theo Hãng tin TASS.

Giới chỉ huy Trung tâm Nhóm tác chiến đã báo cáo với ông Shoigu về việc binh sĩ Ukraine đầu hàng hàng loạt khi lực lượng Nga giành quyền kiểm soát thành phố Avdiivka vào ngày 17.2. Bộ trưởng Shoigu nhấn mạnh cần phải đối xử nhân đạo với các tù nhân chiến tranh Ukraine.

Giữa lúc này, Ukraine lần đầu tiên công bố hình ảnh xe tăng M1 Abrams do Mỹ viện trợ tham gia chiến sự.

Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi cho biết các chuyên gia của tổ chức này đã ghi nhận các vụ nổ ở rất gần nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia (ZNPP). Đây cũng là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu. Theo ông Grossi, các vụ nổ xảy ra hằng ngày và kéo dài trong suốt tuần qua, hãng thông tấn TASS đưa tin.

“Một lần nữa, tôi kêu gọi các bên phải tuân thủ nghiêm ngặt 5 nguyên tắc cụ thể để bảo vệ nhà máy và tránh mọi cuộc tấn công hoặc hoạt động quân sự có thể đe dọa đến an toàn và an ninh hạt nhân ở đó”, ông Grossi nói hôm 24.2.

Người đứng đầu IAEA chỉ ra rằng “các chuyên gia tại ZNPP đã báo cáo rằng họ nghe thấy tiếng nổ hằng ngày trong tuần qua" và âm thanh ở rất gần cơ sở này. Ông kêu gọi khôi phục kết nối với đường dây điện dự phòng 330 kV "càng sớm càng tốt”.

Đường dây điện 330 kV đã bị ngắt hôm 20.2 do sự cố từ phía Ukraine. Theo IAEA, dự kiến việc nối lại sẽ được tiến hành sau ngày 1.3. Cả Nga và Ukraine đều không bình luận về báo cáo của IAEA.

Như Báo Thanh Niên đã đề cấp trong bản tin tối qua, nhiều quan chức và lãnh đạo một số nước châu Âu đã lên đường đến thủ đô Kyiv đúng ngày đánh dấu cột mốc 2 năm chiến sự để thể hiện sự ủng hộ Ukraine. Trong chuyến đi lần này, các nguyên thủ quốc gia cũng sẽ tiến hành ký kết nhiều thỏa thuận quan trọng, cam kết vững chắc hơn trên con đường hỗ trợ Kyiv giành thắng lợi sau cùng trong xung đột với Nga.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 23.2 công bố các lệnh cấm vận mới lên hơn 500 cá nhân và tổ chức liên quan Nga vào dịp chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine tròn 2 năm. Đây là đợt cấm vận lớn nhất của Washington nhắm vào Moscow trong 2 năm qua, theo AFP.

Đáp lại, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov nói các lệnh cấm vận mới của Mỹ thể hiện “một ý đồ khác nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của Liên bang Nga”.

Ngoài Mỹ, Canada, Anh và Liên minh châu Âu (EU) cũng đã thông báo lệnh cấm vận nhắm vào nhiều cá nhân và tổ chức tại Nga.

Ngày 24.2, chính phủ Anh còn công bố gói chi tiêu quốc phòng mới trị giá 245 triệu bảng Anh (hơn 7.600 tỉ đồng) nhằm giúp thúc đẩy sản xuất “đạn pháo cần thiết khẩn cấp” cho Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps cho biết thêm London sẽ đồng dẫn đầu một liên minh quốc tế cung cấp hàng ngàn máy bay không người lái (UAV) cho Kyiv.

Bên cạnh đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đầu ngày 24.2 cảnh báo Tổng thống Nga Vladimir Putin đừng “mong chờ bất kỳ sự mệt mỏi nào từ phía châu Âu” đối với vấn đề xung đột ở Ukraine, và khẳng định sự hỗ trợ của Paris dành cho Kyiv “sẽ không thay đổi”, theo AFP.

Mới đây, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tiếp tục thể hiện sự ủng hộ của khối dành cho Ukraine khi tuyên bố NATO công nhận quyền tấn công mục tiêu ở Nga của Ukraine.

AFP dẫn lời cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev hôm 24.2 cho biết Moscow sẽ tìm cách “trả đũa” các lệnh trừng phạt lớn từ Mỹ và đồng minh. Ông nói “Lý do (đằng sau các lệnh trừng phạt) rất rõ ràng, người dân Nga càng gặp khó khăn thì phương Tây càng tốt”. Hiện Mỹ và đồng minh chưa phản ứng về phát biểu của cựu Tổng thống Nga.

Cho đến nay, Nga đã tỏ ra kiên cường trước các biện pháp trừng phạt chưa từng có từ phương Tây. Trong khi xuất khẩu khí đốt tự nhiên sụt giảm, xuất khẩu dầu vẫn tăng, phần lớn nhờ vào hoạt động mua của Ấn Độ và Trung Quốc.

Tổng sản phẩm quốc nội GDP của Nga tăng 3,6% vào năm 2023, mặc dù một số nhà kinh tế ở Nga cảnh báo rằng điều này là do chi tiêu quốc phòng tăng vọt và tình trạng trì trệ hoặc suy thoái sắp xảy ra.

Trong khi đó, nhật báo Neue Zuercher Zeitung dẫn lời Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd nói rằng khó có khả năng Nga sẽ tham gia hội nghị hòa bình cấp cao Ukraine mà Thụy Sĩ dự định đăng cai trong những tháng tới.

Phát biểu của Tổng thống Amherd được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Thụy Sĩ Ignazio Cassis nói với Liên Hiệp Quốc rằng Bern muốn tổ chức hội nghị hòa bình “vào mùa hè này” để thảo luận về cách kết thúc xung đột ở Ukraine.

Cũng trong ngày 24.2, Reuters dẫn báo cáo từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết việc tái thiết nền kinh tế Ukraine có thể tiêu tốn gần 500 tỉ USD. Tính đến hiện tại, 2 triệu đơn vị nhà ở ở nước này đã bị hư hại, trong khi gần 6 triệu người phải ra nước ngoài lánh nạn.

Nhiều nơi ở Ukraine, dù cách xa chiến trường, không có nhiều dấu ấn tàn phá của chiến sự, nhưng cuộc sống không vì vậy mà có thể tiếp tục bình yên như trước đây.

Reuters dẫn số liệu từ cơ quan y tế của Palestine ước tính kể từ đầu xung đột đến ngày 24.2, số người dân ở Gaza chết trong các cuộc không kích đã vượt 29.500. Chỉ riêng sáng 24.2, hơn 100 người được cho là đã thiệt mạng bởi các cuộc tấn công qua đêm ở khắp khu vực.

Các cuộc tấn công đã khiến mọi hoạt động cứu trợ bị đình trệ. Theo hãng tin Al Jazeera, để duy trì sự sống, người Palestine đang phải uống nước bị ô nhiễm và ăn thức ăn chăn nuôi, điều mà các cơ quan viện trợ đã so sánh với “nạn đói”. Ngoài ra, giao tranh liên tục cũng cản trở các máy móc hạng nặng tiếp cận hiện trường, ảnh hưởng nỗ lực tìm kiếm người sống sót.

Trước tình hình trên, Cơ quan Liên Hiệp Quốc về người tị nạn Palestin đã kêu gọi thế giới đừng nhắm mắt làm ngơ trước những đau khổ “không thể tả xiết” của người dân ở Gaza, bởi họ đang trong tình trạng “cực kỳ nguy hiểm” trước sự chứng kiến của thế giới.

Nhiều nước vẫn tiếp tục gia tăng sức ép lên Israel. Theo AFP, Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva của Brazil hôm 23.2 một lần nữa chỉ trích cuộc tấn công của Israel vào Gaza và nói rằng đây “không phải là chiến tranh, đó là tội ác diệt chủng”, làm trầm trọng hơn nữa quan hệ song phương.

Cùng ngày, Mỹ cũng đã chỉ trích kế hoạch thời hậu chiến ở Gaza khi Hamas bị loại bỏ, do Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đưa ra. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tái khẳng định sự phản đối của Washington đối với bất kỳ hành động tái chiếm nào của đồng minh Israel ở Gaza, cũng như bất kỳ hành động nào làm giảm quy mô vùng lãnh thổ này.

Trong khi đó, Mỹ và Anh đã tiến hành một đợt tấn công mới trong ngày 24.2 nhằm vào 18 mục tiêu của Houthi ở Yemen, sau nhiều tuần lực lượng này tấn công không ngừng vào hoạt động hàng hải trên biển Đỏ.

Dù vậy, lực lượng Houthi vẫn tiếp tục nhắm mục tiêu vào các tàu dầu của Mỹ đang di chuyển ở Vịnh Aden. Và họ cho biết sẽ tiếp tục làm vậy để thể hiện tình đoàn kết với người Palestine trong cuộc chiến đang diễn ra ở Dải Gaza.

Các nhà phân tích cho rằng cuộc khủng hoảng sâu sắc ở Trung Đông do xung đột Hamas - Israel cùng các vụ tấn công liên tiếp ở biển Đỏ đang đẩy Ai Cập vào tình thế nguy cấp. Theo hãng tin Al Jazeera, nền kinh tế đang xấu đi của nước này phải gánh chịu nợ công ngày càng tăng, vốn đang ở mức hơn 90% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cùng với sự trượt giá của đồng bảng Ai Cập so với USD.

Ngoài ra, việc chiến sự đang ngày càng tiến gần đến biên giới Ai Cập cũng đe dọa các nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, khiến doanh thu từ du lịch giảm 10 - 30% so với năm ngoái, và làm nước này mất 4 - 11% dự trữ ngoại hối. Chính quyền Ai Cập còn cho biết doanh thu trong tháng 1 từ kênh đào Suez đã giảm 50% so với cùng kỳ năm 2023.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.